Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025, đảm bảo đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, phương châm trong công tác quy hoạch. Hiện nay, giai đoạn 2020-2025 cán bộ nữ trong quy hoạch chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 30,1%; diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý là 36,2%, tăng 8% so với giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng ở 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước:
Cấp tỉnh đạt 15,7%, cấp huyện đạt 20,1%, cấp xã đạt 18%. Cấp tỉnh có 8 cán bộ nữ là ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; trong đó có 02 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Hiện nay, có 29 cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; có 14 nữ ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và một số cán bộ nữ là bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã.
Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16,7%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND 3 cấp: Cấp tỉnh: 20%; cấp huyện 30,5%; cấp xã 25%. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp ủy đã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ nữ, nhất là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong quy hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ; có 41 xã, phường, thị trấn chưa đạt tỷ lệ 15% nữ tham gia cấp ủy; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã chưa đạt chỉ tiêu 30%. Có cơ quan có nhiều lao động nữ (30% trở lên) nhưng chưa có nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số cán bộ nữ trong quy hoạch được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế.
Cơ cấu cán bộ nữ phân bổ không đều; số lượng nữ cán bộ lãnh đạo khối quản lý Nhà nước còn ít, nhất là các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật; cơ cấu nữ đại biểu HĐND các cấp do bố trí gắn với cơ cấu khác nên có nữ đại biểu HĐND chưa thực sự đại diện cho giới nữ; tiếng nói, vai trò quyết định của một số ít cán bộ nữ còn hạn chế... Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn chưa đầy đủ; một số nơi còn coi nhẹ, thiếu quan tâm công tác cán bộ nữ do đó chưa quan tâm phát hiện, tạo nguồn quy hoạch từ xa, từ sớm để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ; chưa chủ động phát hiện bồi dưỡng những nhân tố nổi bật, xuất sắc trên các lĩnh vực để xem xét, đề bạt...
Thời gian tới, để công tác cán bộ nữ tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế cần tập trung một số giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ nữ, các quan điểm, chủ trương, quy định về công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng, đặc biệt là Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 05/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Tạo môi trường thuận lợi đi đôi với khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong đó liên quan đến việc sắp xếp, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ nữ.
Chú trọng đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ nữ, nhất là khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá và bổ nhiệm để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ 25%; đến năm 2021 nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35% - 40%; tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng đạt 60% trong tổng số đảng viên mới kết nạp…