Tôi là Phạm Thị Gấm, là hội viên phụ nữ chi hội Hàn Dưới, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Câu chuyện tôi muốn kể về mợ Phạm Thị Hà - người mẹ thứ hai của tôi.
Năm 1992, Mợ về làm dâu nhà ông bà ngoại, đó cũng là quãng thời gian biến cố ập đến gia đình tôi. Bố mẹ mất, 3 chị em tôi trở thành trẻ mồ côi. Chị em tôi phước mỏng, nghiệp dày nên không được nhờ gia đình bên nội, thế là Cậu Mợ đã dang rộng vòng tay đón chị em chúng tôi về ở cùng. Bên cha mẹ già, bên đàn con thơ và thêm những đứa cháu côi cút, cơm độn khoai sắn chẳng được no, Cậu Mợ chẳng ngại lăn lộn, làm ngày, làm đêm mong có bát cơm trắng cho cả gia đình.
Tôi nhớ như in bữa đi làm đồng với Mợ, Mợ bảo: “Con lên bờ ăn cơm trước, Mợ chưa đói, khi nào đói Mợ lên sau”, có lớn mà chẳng có khôn, tôi hồ hởi chạy lên, đói quá ăn hết sạch cơm, chẳng phần Mợ chút nào. Mợ đành đi đào củ khoai lang sống ăn tạm mà không một lời phàn nàn, trách mắng.
Ngày qua ngày với tình yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của Cậu Mợ, chúng tôi dần lớn khôn, Cậu Mợ lại lo dựng vợ gả chồng cho từng đứa cháu. Năm 2010, sau khi kết hôn, 2 vợ chồng tôi vào miền Nam lập nghiệp. Năm 2012, bé Khánh (con đầu lòng) chào đời. Niềm vui vừa đến đã bị dập tắt khi biết con bị bệnh bại não. Tôi nghỉ việc để ở nhà chăm con, nhưng vì bé ốm yếu, quấy khóc, chồng tôi cũng không yên tâm đi làm.
Biết tin bé bị bệnh, Mợ đã vào chăm sóc, đỡ đần cho vợ chồng tôi một thời gian. Thấy bệnh tình bé không có chuyển biến nên Mợ đã chủ động khuyên vợ chồng tôi đưa 2 mẹ con tôi về quê để Cậu Mợ phụ giúp và để chồng tôi yên tâm ở lại đi làm lấy tiền chữa bệnh cho con, Mợ cũng không thể ở mãi được vì còn các em và công việc ở nhà. Một lần nữa Mợ lại cưu mang mẹ con tôi và bắt đầu những ngày tháng thức đêm, dựa tường, bế vác, đi rong. Tôi thực sự mệt mỏi, đuối sức, thêm tâm lý chưa ổn định vì cú sốc con bị bệnh nên luôn trong tâm trạng căng thẳng, chán nản, không muốn chuyện trò với ai. Mợ xót xa, luôn bên cạnh, động viên tôi, dỗ dành bé Khánh để tôi có thời gian nghỉ ngơi, chợp mắt. Những ngày bé Khánh phải lên viện điều trị, Mợ lại tất tả ngày ngày 2 lượt đi về lo cơm nước và phụ tôi chăm bé.
Với hoàn cảnh của tôi, mọi người trong xã ai nấy đều cảm thông, chia sẻ. Năm 2018, Hội LHPN huyện Yên Mô đã vận động các cấp, các ngành hỗ trợ cho gia đình tôi 50 triệu đồng để xây dựng “Mái ấm tình thương”. Không ai sướng như tôi khi làm nhà mà chẳng phải động tay vào một viên gạch vì có Cậu Mợ lo hết. Mợ không quên động viên và nhắc tôi “Con cứ yên tâm ở viện điều trị bệnh cho bé, công việc ở nhà Cậu Mợ lo chu đáo”. Với số tiền được hỗ trợ và được chi hội phụ nữ thôn, xóm hỗ trợ ngày công, gia đình tôi đã có ngôi nhà với bao tình yêu thương, giúp đỡ của gia đình, bà con lối xóm, sự quan tâm của các cấp, các ngành và của các cấp Hội Phụ nữ.
Với những gì đã qua, ông bà ngoại tôi thật may mắn vì có người con dâu thảo hiền, chị em tôi thật may mắn khi có được người Mợ đáng kính, hết mực yêu thương, quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ như con ruột để chị em tôi không bơ vơ giữa cuộc đời này. Tôi biết ơn Mợ - người phụ nữ tảo tần, chịu thương, chịu khó và tấm lòng từ bi rộng mở của Mợ. Mợ là tấm gương để tôi học tập, hoàn thiện bản thân.
Mợ ơi! Hãy cho con được gọi 2 tiếng: Mẹ ơi! Con mong Mẹ luôn được mạnh khỏe và bình an!