Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Số hiệu
Trích yếu TÀI LIỆU SHHV QUÝ IV/ 2024: Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hội viên phụ nữ cần quan tâm
Ngày ban hành 07/10/2024
Ngày hiệu lực 07/10/2024
Người ký
Danh mục TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN
Cơ quan ban hành HỘI LHPN TỈNH
Loại văn bản TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN
File đính kèm Tập tin

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH NINH BÌNH

 

Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số nội dung

của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hội viên phụ nữ cần quan tâm

(Tài liệu sinh hoạt hội viên quý IV/2024)

                                                           

Để giúp hội viên phụ nữ nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ môi trường, dịp sinh hoạt hội viên kỳ này chúng ta cùng tìm hiểu một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

          I. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024

Câu 1. Luật Đất đai bổ sung quy định về quyền của công dân đối với đất đai như thế nào?

Theo quy định tại Điều 23, công dân có các quyền sau đây đối với đất đất đai:

- Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

- Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.

- Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

- Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Câu 2. Hộ gia đình có còn được cấp đất không ?

Điều 4, Luật Đất đai năm 2024 bãi bỏ quy định “hộ gia đình” là một trong những chủ thể người sử dụng đất. Với quy định này, từ ngày 01/8/2024 trở đi, nhà nước không còn cấp đất cho hộ gia đình; hộ gia đình không còn đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Những hộ gia đình được cấp đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất từ ngày 30/7/2024 trở về trước thì đất đã được cấp vẫn được công nhận là đất của hộ gia đình.

Câu 3. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa không?

- Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Luật Đất đai năm 2024 đã bãi bỏ quy định này và cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

- Điều 45 quy định trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nếu quá hạn mức (quy định tại Điều 176 của Luật Đất đai năm 2024) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.  Trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa là người thuộc hàng thừa kế thì không phải thành lập tổ chức kinh tế và không phải lập phương án sử dụng đất trồng lúa được nhận tặng cho.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020

Câu 1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm gì trong bảo vệ môi trường ?

Theo quy định tại Điều 60, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường như sau:

- Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định;.

- Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

- Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 2. Cá nhân có nghĩa vụ gì để bảo vệ môi trường khi đi đến các điểm du lịch và hoạt động văn hóa, thể thao?

Theo quy định tại Điều 66, cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

- Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

- Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa.

- Giữ gìn vệ sinh công cộng. Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.

Câu 3. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như thế nào?

* Theo quy định tại Điều 75, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 03 nhóm gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, (2) chất thải thực phẩm, (3) chất thải rắn sinh hoạt khác. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:

- Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị: Phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao, cụ thể:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

+ Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn: Sau khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thì thực hiện quản lý chất thải như sau:

+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Trường hợp chất thải thực phẩm không tận dụng làm phân bón hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi phải được chứa đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

III. PHỤ NỮ CẦN LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của Luật Đất đai, Luật bảo vệ Môi trường để thực hiện. Tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên trong gia đình tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và thực hiện Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 21/8/2024 của UBND tỉnh về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.

2. Rèn luyện, phấn đấu thực hiện Tiêu chí “có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước” trong Tiêu chí “Người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới” và Tiêu chí: Gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật trong xây dựng gia đình “5 không”, Tiêu chí “3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”. Tích cực tham gia thực hiện, duy trì, lan tỏa các mô hình bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn do Hội thực hiện như: mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Chống rác thải nhựa”, “3 sạch”, “Ngày thứ 7 sạch”, “10 phút từ nhà ra ngõ”, “đường cây, đường hoa”, “Nhà sạch, vườn đẹp” …

3. Tích cực, chủ động giám sát, phát hiện, kịp thời kiến nghị, phản ánh hoặc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường đến cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình và cộng đồng dân cư liên quan đến đất đai, nhà ở, ngõ đi chung...