Số hiệu | |
Trích yếu | PNNB tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình |
Ngày ban hành | 14/05/2024 |
Ngày hiệu lực | 14/05/2024 |
Người ký | |
Danh mục | TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN |
Cơ quan ban hành | HỘI LHPN TỈNH |
Loại văn bản | TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN |
File đính kèm | Tập tin |
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, phụ nữ Ninh Bình tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030
(Tài liệu sinh hoạt hội viên Quý II/2024)
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), dịp sinh hoạt hội viên kỳ này chúng ta cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng và những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự kiện lịch sử vĩ đại, nêu cao ý thức, trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện, cống hiến, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030.
I. Những đóng góp to lớn của phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Tháng 12 năm 1953, Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 địch, trong đó có 01 thiếu tướng, hạ 62 máy bay các loại, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh. Chiến dịch điện Biên phủ đã kết thúc với chiến thắng hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Dấu son 9 năm kháng chiến trường kỳ với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu-chấn động địa cầu” có sự đóng góp quan trọng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam anh hùng. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của những người phụ nữ lại vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Với tinh thần yêu nước thiết tha, sự nhân ái đôn hậu cùng truyền thống đảm đang, anh hùng, dù ở vùng tự do, vùng căn cứ du kích hay tạm chiếm, các bà, các mẹ, các chị đều không quản ngại gian khổ, hi sinh, tích cực tham gia kháng chiến, vận động chồng, con ra mặt trận thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp lương thực, thực phẩm, chăm nuôi bộ đội, thương binh, hăng hái đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí, lương thực, làm đường, phá bom, thông tin liên lạc phục vụ các chiến dịch, tham gia phong trào nữ dân quân du kích tự vệ…Tham gia ở khắp các mặt trận, chị em còn tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ các chiến sĩ Điện Biên Phủ như “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”, hoạt động văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”; gửi hàng nghìn lá thư thắm tình quân dân ra tiền tuyến, tổ chức phong trào lên Điện Biên Phủ đón thương binh về chăm sóc, nhiều chị kết hôn với thương binh…Ở mặt trận nào các bà, các mẹ, các chị cũng hết lòng chăm sóc, bảo vệ cán bộ, bộ đội, đóng góp sức người, sức của, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân với kháng chiến, thể hiện niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.
II. Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030
1. Mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030
- Tạo không gian phát triển mới, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị tốt đẹp của con người và vùng đất cố đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
- Tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
2. Lộ trình thực hiện: Chia 2 giai đoạn: 2023 - 2025 và 2026 - 2030
* Giai đoạn 2023 - 2025 thực hiện như sau:
- Cấp xã: Thực hiện sắp xếp các xã, phường, thị trấn không đảm bảo đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định cụ thể như sau:
+ Quy định tiêu chuẩn xã đồng bằng: Diện tích 30 km2 trở lên, dân số 8.000 người trở lên. Như vậy xã đồng bằng thuộc diện sắp xếp là xã có diện tích dưới 21 km2, dân số dưới 5.600 người (tương ứng với diện tích tự nhiên, quy mô dân số dưới 70% quy định) và xã đồng bằng có diện tích dưới 6 km2, dân số dưới 2.400 người (tương ứng diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300% quy định).
+ Quy định tiêu chuẩn xã miền núi: Diện tích 50 km2 trở lên, dân số 5.000 người trở lên. Như vậy xã miền núi thuộc diện sắp xếp là xã có diện tích dưới 35 km2, dân số dưới 3.500 người (tương ứng với diện tích tự nhiên, quy mô dân số dưới 70% quy định) và những xã miền núi có diện tích dưới 10 km2, dân số dưới 1.500 người (tương ứng với diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300% quy định).
+ Quy định tiêu chuẩn của phường: Diện tích 5,5 km2 trở lên, dân số 7.000 người trở lên. Như vậy phường thuộc diện sắp xếp là đơn vị có diện tích dưới 5,5 km2, dân số dưới 7.000 người và những phường có diện tích dưới 1,1 km2, dân số dưới 2.100 người (tương ứng với diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300% quy định).
+ Quy định tiêu chuẩn của thị trấn: Diện tích 14 km2 trở lên, dân số 8.000 người trở lên. Như vậy thị trấn thuộc diện sắp xếp là đơn vị có diện tích dưới 14 km2, dân số dưới 8.000 người và thị trấn có diện tích dưới 2,8 km2, dân số dưới 2.400 người (tương ứng với diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300% quy định).
- Cấp huyện: Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đơn vị hành chính thành phố mới (dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư), đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính thành phố mới là “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, dựa trên các giá độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính thành phố mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
2.2. Giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số dưới 100% quy định. Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định. Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
III. Phát huy truyền thống yêu nước, phụ nữ Ninh Bình tin tưởng, tự nguyện thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030
- Tích cực, chủ động tìm hiểu chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình; hiểu đầy đủ về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, tác động tích cực của chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh.
- Tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong các Hội nghị lấy ý kiến cử tri do địa phương tổ chức, đảm bảo dân chủ, đúng quy định, có tính xây dựng vì lợi ích phát triển chung của tỉnh và địa phương.
- Nghiêm túc thực hiện Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Chủ động, tự nguyện, đi đầu trong đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của quê hương, đất nước lên trên lợi ích cá nhân trong thực hiện chủ trương sắp xếp.
- Kịp thời phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của hội viên, phụ nữ tại những địa phương, đơn vị thực hiện sắp xếp. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và góp ý kiến với Đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện sắp xếp tại địa phương.