Dù đang bận rộn hướng dẫn công nhân làm việc, chị Tám vẫn nhiệt tình, vui vẻ trò chuyện: "Năm 2019 là bước ngoặt lớn nhất thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn nuôi bị tiêu hủy gần hết, không còn nguồn thu, kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất. Thấy trong thôn, trong xã có nhiều chị em cũng như mình, khó khăn do thiếu việc làm, tôi mới nảy ra ý nghĩ tự tạo ra việc làm cho chính mình và chị em".
Nghĩ là làm, được sự giới thiệu, hỗ trợ của tổ chức Hội, chị Tám đã mạnh dạn vay vốn để mở xưởng may. Thời gian đầu, do thiếu vốn và kinh nghiệm, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Quá trình làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, nhận thấy hiệu quả từ mô hình, chị Tám tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư mua máy móc, mở rộng nhà xưởng và thuê thêm nhân công. Hiện tại, xưởng may của chị Tám có diện tích trên 300m2, sản xuất sản phẩm "túi tự hủy sinh học" cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, khi công việc sản xuất kinh doanh đã vào "guồng", chị Tám còn kí kết hợp đồng với công ty để sản xuất các đơn đặt hàng riêng theo yêu cầu. Trong mọi đơn hàng, chị là người trực tiếp giám sát, hướng dẫn chị em may theo dây chuyền, mỗi người thực hiện một công đoạn để hoàn thành sản phẩm.
Theo chia sẻ của nhiều công nhân làm việc tại xưởng may, công việc không quá vất vả nhưng cần có tay nghề khéo léo. Chị Tám thường xuyên quan tâm đời sống, hướng dẫn chị em từng "đường kim mũi chỉ" để mỗi sản phẩm đều được hoàn thiện ở mức cao nhất.
Với phương châm "uy tín - chất lượng là hàng đầu", việc sản xuất, kinh doanh của xưởng may ngày càng thuận lợi với nhiều các đơn hàng lớn. Hiện tại, mỗi tháng, xưởng sản xuất trung bình từ 40 - 50 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho 32 hội viên, phụ nữ tại địa phương với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Tám cho biết: "Hiện tại, gia đình đang tích cực tìm thêm địa điểm mới để mở rộng xưởng, sản xuất thêm các mặt hàng mới, qua đó, tạo được thêm nhiều việc làm, giúp chị em hội viên, phụ nữ tại địa phương có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Trung Chính, chị Tám còn luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị trực tiếp "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn nhiều hội viên gặp khó khăn cách làm ăn, kiếm thêm thu nhập.
Đồng chí Bùi Thị Thúy Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xích Thổ cho biết: "Chị Tám là một tấm gương điển hình về đức tính cần cù, sáng tạo, cố gắng tìm tòi trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Từ mô hình phát triển kinh tế của chị đã tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em hội viên. Bên cạnh đó, chị còn là một cán bộ Hội năng động, tích cực và nhiệt tình trong công tác Hội, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ tại địa phương hoạt động sôi nổi, hiệu quả trong nhiều năm qua".
Với những kết quả đạt được, chị Đào Thị Tám nhiều năm liền đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được vinh danh là cán bộ hội tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.