Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị Trần Thị Thoi, hội viên Chi hội phụ nữ xóm 8, xã Đồng Hướng (Kim Sơn) đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cán bộ Hội phụ nữ huyện Kim Sơn thăm mô hình phát triển kinh tế của chị Trần Thị Thoi
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chị Thoi luôn trăn trở làm sao có thể làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng chị mạnh dạn thuê đất 313 và đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Năm 2017, khi bắt tay vào làm, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Nhưng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, chị được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đã giúp vợ chồng chị có thêm quyết tâm trong phát triển kinh tế. Trên điện tích 7 mẫu ruộng sâu trũng, gia đình chị thuê máy móc đào ao thả cá truyền thống và nuôi tôm thẻ; diện tích còn lại chị trồng cỏ voi nuôi trâu và xây chuồng trại nuôi gà vịt. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên mô hình kinh tế tổng hợp của chị đã thu hái được "trái ngọt", đem lại nguồn thu khá.
Mỗi ngày thị Thoi thu trên 1.300 trứng gà và trứng vịt
Hiện, trang trại của gia đình chị Thoi có 4,8 mẫu ao thả cá, nuôi tôm thẻ, trên 1.500 gà, vịt đẻ trứng và 2 mẫu trồng cỏ voi nuôi 7 con trâu sinh sản. Chị Thoi cho biết: Trong các loại con nuôi thì tôm thẻ mang lại nguồn thu lớn nhất. Mỗi năm chị thả 6-7 lứa tôm, mỗi lứa thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình chị xuất bán 5 con nghé, 2 lứa cá truyền thống và mỗi ngày hơn 1.300 quả trứng. Sau khi trừ chi phí mỗi năm có lãi hơn 500 triệu đồng.
Theo chị Thoi, nông nghiệp là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường, vật tư… Muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Vì vậy hằng ngày vợ chồng chị luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nhu cầu của thị trường… trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, thông qua tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Thoi chăm sóc đàn trâu
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Thoi còn nhiệt tình tham gia công tác Hội phụ nữ và sẵn sàng giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần cho những gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn; đồng thời động viên người thân trong gia đình tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ngoài ra, chị luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình của mình với những ai có nhu cầu tham khảo, áp dụng phát triển mô hình.
Nhờ mạnh dạn phát triển kinh tế, chị Thoi có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm
Đánh giá về mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Thoi, chị Lê Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Hướng cho biết, đây là mô hình điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của chị em phụ nữ trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương. Mô hình cũng góp phần tạo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương cho chị em phụ nữ. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tổ chức các buổi thăm quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm mô hình của gia đình chị Thoi và khuyến khích chị em phụ nữ trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình.
Bài, ảnh: Hồng Giang
Theo Báo Ninh Bình