Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Người phụ nữ dân tộc Mường vượt khó, làm kinh tế giỏi

Thứ Sáu, 22/11/2019
Nhắc đến chị Quách Thị Xuân, người dân tộc Mường ở thôn 5, xã Phú Long, huyện Nho Quan, nhiều người dân địa phương đều biết chị. Bằng nghị lực, sức lao động của mình, chị đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị Xuân là một người hiền lành, gần gũi nhưng cũng rất nhanh nhẹn, tháo vát. Chị cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông anh chị em, bố mẹ tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 1984, tôi lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng tôi phải tự bươn trải với hai bàn tay trắng. Bước đầu tôi nhận thuê đất của anh em để sản xuất, hai vợ chồng chị tần tảo, một nắng hai sương nhưng vẫn không đủ ăn.

Giữa lúc đó, nhờ tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT do Hội Nông dân xã và huyện tổ chức, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho hội viên đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế như: nuôi dê, lợn lai lòi, lợn bản địa, chị bàn bạc với chồng quyết tâm tìm hướng làm ăn.

Qua tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc lợn siêu nạc, chị Xuân nhận thấy đồng đất quê mình diện tích rộng, phù hợp với việc chăn nuôi lợn, môi trường trong lành, ít dịch bệnh; đặc biệt mô hình nuôi hươu, đây là một loại con nuôi đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình. Bắt tay vào làm kinh tế, đầu năm 2013, chị Xuân đã vay mượn anh em, bạn bè, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để sửa chữa chuồng trại và nuôi lợn.

Chị đầu tư 80 triệu đồng nuôi 11 con lợn nái, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tiếp tục đầu tư nuôi lợn, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm gia đình chị Xuân cung cấp ra thị trường từ 7 đến 8 tấn lợn thịt thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm lãi từ 100 đến 120 triệu đồng.

Chị Xuân tâm sự: “Mặc dù đã có sản phẩm thu nhập nhưng vừa mừng lại vừa lo vì xã tôi là xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, ít dịch vụ, thương mại, mình là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giá cả thị trường lên xuống thất thường cùng với sự rủi ro của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi”. Nhận thấy nhu cầu của bà con nhân dân trong vùng, từ số vốn tích lũy được, chị đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi cho nhân dân trong xã.

Hàng năm, gia đình chị đã cung ứng cho nhân dân từ 40 đến 50 tấn phân bón các loại và từ 8 đến 10 tấn thức ăn chăn nuôi, đem lại thêm nguồn thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang sản xuất, gia đình chị đã nhận 1ha để trồng cây keo tai tượng, cứ 6 năm cho thu hoạch, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực vượt khó, đến nay kinh tế gia đình chị đã có của ăn, của để. Chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bản thân chị Xuân và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và nêu cao vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư để bà con trong bản làm theo.

Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, chị Xuân luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con trong xã, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Chị vinh dự được ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ III.

 
Các tin khác