Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Thứ Hai, 23/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Hội Phụ nữ đồng hành cùng hội viên khởi nghiệp

Thứ Bảy, 08/04/2023

Khởi nghiệp là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự phát triển kinh tế, tạo việc làm bền vững, vì vậy, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã hiện thực hóa Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp.

HTX may mặc Cúc Phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ khuyết tật.

Năm 2020, với sáng kiến "Giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", HTX Phú Quang, xã Yên Thái (Yên Mô) do chị Tạ Thị Tính làm giám đốc đã đạt giải nhất khi tham gia cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức và được hỗ trợ một phần kinh phí để phát triển mô hình "Trồng và chưng cất cây dược liệu". Sản phẩm tinh dầu dược liệu của HTX còn được Hội LHPN tỉnh giới thiệu cho nhiều đoàn công tác trong và ngoài tỉnh tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm, được thành viên trong các đoàn tới thăm đánh giá cao bởi sự sáng tạo, độc đáo của sản phẩm và bản lĩnh vượt khó làm kinh tế nông nghiệp xanh. 

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn. Thành công của HTX Phú Quang là kết quả của quá trình khởi nghiệp bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cùng với sự quan tâm của tổ chức Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương tạo điều kiện về pháp lý, động viên khích lệ hội viên, phụ nữ vượt qua thử thách. 

Theo chị Tạ Thị Tính, Giám đốc HTX Phú Quang: Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã tạo việc làm ổn định cho trên 200 hội viên, phụ nữ, với doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng từ 2 ngành nghề là sản xuất tinh dầu dược liệu và kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây tre đan.

Còn tại huyện Nho Quan, với nhiều giải pháp hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp Hội Phụ nữ, nhiều mô hình sáng tạo, khởi nghiệp do phụ nữ thực hiện đã bước đầu gặt hái kết quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: HTX may mặc Thạch Bình, Cúc Phương, tạo việc làm cho từ 20-30 lao động địa phương, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ khuyết tật với mức thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng; HTX chăn nuôi gà thả vườn Gia Sơn; HTX thương mại dịch vụ hươu sao xã Cúc Phương; HTX nuôi trồng thủy sản Phú Lộc; Tổ hợp tác trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Phú Sơn; tổ hợp tác chăn nuôi gà ri an toàn sinh học tại xã Phú Long… đều là những mô hình do phụ nữ thành lập, quản lý. Tất cả đã tạo nên phong trào khởi nghiệp sôi nổi.

Nhiều giải pháp đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Hoạt động trao vốn và giống hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Liên Sơn (Gia Viễn).

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nho Quan cho biết: Trong quá trình vận động hội viên khởi nghiệp, cán bộ Hội luôn tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Khi kế hoạch được triển khai, chị em mong muốn tổ chức đồng hành ở phương diện nào, như cung cấp kiến thức, chính sách, cách tiếp cận khoa học công nghệ hay vay vốn thì Hội sẽ tạo điều kiện giúp đỡ kịp thời và đúng trọng tâm.

Thực tế, nhu cầu khởi nghiệp của phụ nữ Ninh Bình tăng nhanh, nhiều chị em đã định hướng cho việc kinh doanh của mình tạo thu nhập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp của phụ nữ còn gặp một số khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, cơ sở vật chất... Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn xác định nội dung vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Đồng chí Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: "Nếu như trước đây hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập trung nhiều vào việc tiếp cận tín dụng, trong đó chủ yếu là tín dụng chính sách, thì nay với yêu cầu của đề án, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của chị em".

Do đó, hàng năm Hội LHPN tỉnh đều chỉ đạo các cấp Hội rà soát, lựa chọn đăng ký thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, gồm HTX, tổ hợp tác và giao chỉ tiêu đăng ký cho các đơn vị; phối hợp hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sản xuất, đặc sản của địa phương. 

Năm 2022, Hội LHPN tỉnh phối hợp tập huấn, giới thiệu và hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP cho 533 cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện và cơ sở; hỗ trợ 300 phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức 1.061 buổi chuyển giao KHKT cho 52.000 hội viên, phụ nữ; hỗ trợ thành lập 15 HTX và tổ hợp tác; tổ chức 42 lớp dạy nghề cho 1.746 phụ nữ; giới thiệu việc làm cho 2.856 hội viên, phụ nữ; giúp đỡ 294 hộ phụ nữ đứng chủ thoát nghèo.

Hằng năm, nguồn vốn các ngân hàng ủy thác qua tổ chức Hội đều tăng. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý hơn 3.532 tỷ đồng cho 58.073 lượt hội viên vay. 5 năm qua, có 7 ý tưởng khởi nghiệp đạt giải được Trung ương Hội hỗ trợ thực hiện…

Với nhiều cách làm, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 đã và đang khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong toàn tỉnh, tạo điều kiện và cơ hội giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mạnh Tuấn

Theo Báo Ninh Bình

Các tin khác