Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Tài liệu sinh hoạt hội viên Quý II/2023 Trung ương Hội LHPN Việt Nam

Thứ Ba, 16/05/2023

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nhân Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cập nhật, biên soạn Tài liệu sinh hoạt hội viên với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ Việt Nam”[1], cụ thể như sau:

I. GỢI Ý TỔ CHỨC SINH HOẠT

Cách 1:

- Tuyên truyền viên lựa chọn nội dung trong phần Nội dung chính (Phần II) để xây dựng bài thuyết trình.

- Sau mỗi nội dung, hướng dẫn hội viên thảo luận các việc làm cụ thể để làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Cách 2:

- Tuyên truyền viên kể một câu chuyện về Bác (có thể sưu tầm trên Báo Phụ nữ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của các cấp Hội, sách, báo…).

- Giới thiệu một nội dung trong phần Nội dung chính (Phần II) có liên quan đến câu chuyện vừa kể.

- Hướng dẫn hội viên thảo luận các việc làm cụ thể để làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác.

Cách 3:

- Tuyên truyền viên viết ra giấy một số câu nói hoặc lời căn dặn của Bác với phụ nữ.

- Mời một hội viên đọc hoặc truyền thông đọc.

- Hướng dẫn hội viên thảo luận cách thực hiện lời dặn của Bác.

 

II. NỘI DUNG CHÍNH

Câu hỏi 1:  Hãy nêu những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh?

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng ta và dân tộc ta. Vấn đề phụ nữ, bình đẳng nam nữ được thể hiện ở tất cả các khía cạnh trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, từ vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, con người cho đến tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa...

Câu hỏi 2Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm như thế nào về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới?

Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của Phụ nữ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và những cống hiến của phụ nữ Việt Nam trong cách mạng. Người khẳng định phụ nữ chính là lực lượng cách mạng to lớn, góp phần làm nên sức mạnh, thành công của mọi cuộc cách mạng xã hội. Phụ nữ không chỉ là lực lượng đông đảo của cách mạng, mà còn có khả năng làm được mọi việc không kém gì nam giới, họ có vai trò quyết định đến sự thành công của mọi cuộc cách mạng. Vì vậy, Người đã đặt niềm tin to lớn vào khả năng của phụ nữ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[2].

Vấn đề phụ nữ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927). Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đặc biệt là sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, các phong trào yêu nước của phụ nữ Việt Nam đã dẫn đến sự ra đời một tổ chức riêng của phụ nữ, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội của một giới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, một lực lượng cách mạng hùng hậu của chiến tranh nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận đóng góp quan trọng của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời giao nhiệm vụ: “Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội"[3].

- Quan điểm của Hồ Chí Minh về bình đẳng giới: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ bình đẳng với nam giới trên cả hai mặt: nghĩa vụ và quyền lợi, chị em thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình, cùng nam giới chung lo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Người chỉ ra rằng: công bằng cho phụ nữ không có nghĩa là chia đều công việc cho họ mà công bằng chính là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tùy theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khỏe. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về chính trị, bình đẳng có nghĩa là người phụ nữ trước hết được trang bị về mặt lý luận, tạo điều kiện cho họ chủ động, tự tin, tự lực, tự cường, tự giải phóng cho chính họ; sau đó là sự đảm bảo cho họ quyền tham gia các hoạt động chính trị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng với nam giới; đồng thời, đảm bảo quyền ngôn luận, đi lại, bầu cử, ứng cử, cư trú và quyền bình đẳng trước pháp luật…

Về kinh tế, bình đẳng là thực sự tạo ra cơ hội cho người phụ nữ có việc làm, có thu nhập như nam giới, bình đẳng với nam giới trong quan hệ tài sản… Tư tưởng đó của Người đã được khẳng định trong Điều 5 Hiến pháp năm 1946: “Tất cả mọi công dân đều ngang quyền về kinh tế”.

Về lĩnh vực văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: sự dốt nát còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong lời kêu gọi chống nạn thất học tháng 10/1945, Người nói rõ: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ… Phụ nữ lại cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc chị em phải cố gắng để theo kịp nam giới, để xứng đáng mình là phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử[4].

Người khẳng định học tập để nâng cao trình độ văn hoá sẽ giúp chị em nắm được những vấn đề lịch sử, địa lý, khoa học, tự nhiên, xã hội, chính trị, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; Có văn hoá, một mặt chị em sẽ tự tin vươn lên làm chủ về mọi mặt một cách vững chắc, thoát khỏi sự lệ thuộc của những tư tưởng phong kiến hà khắc trói buộc, đồng thời có thể cống hiến tài năng, trí tuệ cho nhân loại và đất nước.

Về lĩnh vực xã hội, Người chỉ ra rằng, muốn thực hiện bình đẳng nam nữ trước hết là phải giải phóng phụ nữ ra khỏi những trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, ra khỏi sự bất công ngay từ trong gia đình họ. Người quan niệm vai trò của phụ nữ trong xã hội được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình vì gia đình chính là tế bào của xã hội. Do vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân Gia đình. Người nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ.

Câu hỏi 3: Hãy nêu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ?

- Giải phóng phụ nữ là một nhiệm vụ tất yếu của cách mạng vô sản ở Việt Nam

Theo Bác: “Nói phụ nữ là nói một nửa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”[5]. Trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc thực hiện cách mạng vô sản, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến của những người cộng sản Việt Nam thì vấn đề giải phóng phụ nữ là nội dung tất yếu nằm trong xu thế chung của cách mạng, song đồng thời nó có một ý nghĩa đặc biệt đối với một giới mà hàng trăm năm nay chịu những đối xử, phân biệt bất công và bị bóc lột nặng nề.

Trong nhận thức tư tưởng và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời vấn đề giải phóng phụ nữ ra khỏi nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người cũng ý thức sâu sắc giải phóng phụ nữ không chỉ là nhu cầu khách quan mà còn là cuộc cách mạng to và khó ngay cả sau khi đất nước đã tự do, độc lập.

- Giải phóng phụ nữ là sự nghiệp của bản thân phụ nữ, của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quyết định cuối cùng cho công cuộc giải phóng phụ nữ lại chính là chị em. Chính sự tự thân vận động, sự nỗ lực vươn lên trong học tập và công tác của chính chị em phụ nữ mới có thể đưa đến sự thành công của công cuộc giải phóng phụ nữ. Bác đã nhiều lần nhắc nhở chị em phải có ý thức tự giải phóng mình,  Người viết: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà mình phải tự cường, tự đấu tranh”. Đặc biệt, Bác căn dặn chị em phải biết vượt qua chính mình, khắc phục những hạn chế của chính chị em, quyết tâm học tập và vươn lên, Người viết: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng của mình, nâng cao tinh thần tập thể đoàn kết, giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.

Giải phóng phụ nữ theo Hồ Chí Minh, không những là trách nhiệm của Đảng và chính quyền mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Người chủ trương giáo dục tất cả cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn về vai trò và địa vị phụ nữ trong xã hội, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Câu hỏi 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm thế nào về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và công tác phụ nữ?

Theo Bác, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì cán bộ nữ là người hiểu rõ nhất tâm tư tình cảm cũng như những khả năng, những hạn chế của chị em phụ nữ, từ đó tập hợp, tổ chức các chị em lại tham gia đông đảo, nhiệt tình vào các phong trào. Cán bộ nữ là sợi dây nối liền giữa Đảng, Nhà nước với các chị em phụ nữ, từ đó có thể đem những chủ trương chính sách của Đảng phổ biến tới quần chúng phụ nữ một cách dễ hiểu nhất, phản ánh những nguyện vọng, yêu cầu của đông đảo quần chúng tới các cấp lãnh đạo một cách đầy đủ nhất. Không chỉ quan tâm đến phụ nữ ở thành thị, Người còn lưu ý đến đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu vùng xa; yêu cầu các cấp lãnh đạo phải có chủ trương, biện pháp bảo vệ sức khoẻ phụ nữ.

Quan tâm đến công tác cán bộ nữ, Người rất chú trọng đến việc bồi dưỡng cho phụ nữ một cách nhìn mới, một nếp suy nghĩ mới để giúp chị em một mặt khắc phục được những nhược điểm của giới, mặt khác nhận thức được khả năng, trách nhiệm làm chủ của mình trong xã hội cả về mặt quyền lợi và nghĩa vụ. Người dặn dò chị em mở rộng giới hạn tình cảm gia đình ra một phạm vi rộng lớn hơn, gắn liền với tình yêu giai cấp, tình yêu đồng bào, tình cảm quốc tế vô sản.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 3 năm 1961, Người nhấn mạnh: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”[6]. Người nhắc nhở: “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật”[7]; theo Bác, muốn làm cách mạng thì lòng mình, tư tưởng mình phải cách mạng.

Trong việc cất nhắc đề bạt phụ nữ, Người mong muốn: “Có cất nhắc phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”[8]. Mong muốn đó thể hiện yêu cầu đối với cán bộ quản lý là phải khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ nữ phát huy ưu điểm, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phụ nữ phải thể hiện được năng lực, khả năng của mình.

Câu hỏi 5: Những nội dung chính trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh?

Theo Bác, đạo đức cách mạng phải là phẩm chất đầu tiên, giống như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức…”[9]. Người cũng cho rằng “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”[10].

Những chuẩn mực đạo đức cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh gồm:

- Trung với nước, hiếu với dân, quyết tâm phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội:

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

+ Cần là siêng năng, chăm chỉ, đúng giờ, chu đáo để không ngừng nâng cao năng suất lao động. Tục ngữ có câu “ Nước chảy, đá mòn” cho thấy cần sẽ đem đến hiệu quả, là đức tính cần có ở mỗi người. Người nghiêm khắc phê phán ”Người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”.

+ Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất.

+ Liêm là trong sạch, không tham lam. Người từng viết: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một tộc văn minh tiến bộ”.

 + Chính là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn, là thiện.

Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính không thể thiếu của mỗi con người, cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, Người đã viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.

Thiếu một mùa thì không thành trời.

Thiếu một phương thì không thành đất.

Thiếu một đức thì không thành người”.

+ Chí công vô tư là ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham danh lợi, không vì lợi ích cá nhân mà làm hại lợi ích dân tộc.

- Tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng: Người coi tình đoàn kết quốc tế, gắn kết giữa các dân tộc, các nước trên thế giới là điều thiêng liêng.

Câu hỏi 6: Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ?

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, trước hết là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều người không có lý tưởng sống, không có chính kiến, khó phân biệt đúng sai. Bởi lý tưởng sống là mục tiêu hướng đến của mỗi con người, là động lực giúp con người vươn tới những hoài bão lớn, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhờ có lý tưởng sống mà con người có thái độ tích cực trong nhận thức, quyết tâm trong ý chí và hành động. Người chỉ rõ những người “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ” thì cần phải chấn chỉnh, bởi thái độ sống và làm việc thiếu tích cực và thiếu trách nhiệm. Người khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chủ động, tự giác học tập nội dung chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước. Bởi đó là những định hướng lớn, những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mỗi người cần tự giác phê bình và tự phê bình, tránh tình trạng phê phán người khác thì dễ còn bản thân mình không không muốn ai đụng chạm đến hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh: Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”.

Người phê phán những biểu hiện duy ý chí, áp dặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác: “Tự cho mình là cái gì cũng giỏi,việc gì cũng biết”. “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. việc gì mong cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai”.

Người quyết liệt phê phán những lối sống ích kỷ, tư lợi, hủ hóa và gọi đó là các căn bệnh: “Bệnh hẹp hòi”, “Bệnh cận thị”, “Bệnh tham lam”. Ngay từ đầu năm 1948, khi nhà nước cách mạng còn hết sức non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn, Người đã chỉ ra cần phải đấu tranh với những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Người giải thích về “Địa phương chủ nghĩa”, đó là: “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm ấy mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại cho kế hoạch chung”. Điều này không chỉ mỗi cá nhân trong tập thể mà còn nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng nên nghĩ đến lợi ích chung để cùng xây dựng môi trường xã hội công bằng, lành mạnh, minh bạch, tránh tình trạng nhiều gia đình dọn sạch rác nhà mình đẩy ra đường để mặc ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng xung quanh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm yêu cầu chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; những biểu hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên… Người cũng kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các đối tượng khác để trục lợi.

Nguyên nhân của những biểu hiên suy thoái có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Theo Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Người luôn coi trọng cả đức lẫn tài, trong đó đức là gốc. Nước lấy dân làm gốc, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của con người. Cuộc đời và nhân cách của Người là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ con cháu noi theo.

 

Câu hỏi 7: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đại đoàn kết?

Sinh thời, Người đã luôn nhắc nhở những bài thơ học về tinh thần yêu nước, về lịch sử nước nhà, lòng yêu quên hương, đạo lý làm người, tình đồng bào ruột thịt đùm bọc lẫn nhau đúng với truyền thống của dân tộc “máu chảy ruột mềm”.

Người khẳng định lực lượng cách mạng trước hết là khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm tất cả các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các đoàn thể, cá nhân yêu nước, các thành viên đều có điểm chung là thành tâm yêu nước.

Người chỉ ra rằng trong mối quan hệ đoàn kết thì sự thống nhất trong Đảng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân và có mối quan hệ biện chứng với nhau, đó là “chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước…”[11].

Theo Hồ Chí Minh “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, muốn có khối đại đoàn kết toàn dân cần có sự tập hợp mọi tầng lớp nhân dân bằng cách giáo dục, thuyết phục, vận động tập hợp quần chúng thông qua các hình thức phù hợp. Người cũng nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên báo chí cho đến nhân dân; phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên; phê bình và tự phê trên tinh thần đồng chí, có lý có tình, giúp nhau cùng tiến bộ, trong đó tự phê phải là chính.

Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh bao hàm cả việc không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Câu hỏi 8: Hãy nêu một số nội dung cơ bản trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Phong cách dân chủ, quần chúng: Theo Hồ Chí Minh, không khí dân chủ thực sự trong nội bộ phải dược tạo ra bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Có như vậy, cấp dưới, quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến, “học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”[12]. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người có sáng kiến càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến của cấp dưới và quần chúng trong các cơ quan, đơn vị mà ngay cả trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cũng đều có ý nghĩa tương tự. Có như vậy mới phát huy được trí tuệ của tập thể, kinh nghiệm của nhiều người. Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung, không phải dân chủ vô tổ chức.

Phong cách dân chủ yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải tin yêu, tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình và sửa chữa khuyết điểm của mình.

Phong cách khoa học: Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích kỹ thông tin, quy trình. Người chỉ ra rằng: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy[13].

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực; là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được…”[14].

Phong cách làm việc khoa học còn phải biết nhìn xa, trông rộng, không để mắc vào “Bệnh cận thị”[15], không vì lợi ích nhỏ mà tổn hại đến lợi ích lớn lao, lâu dài. Phong cách làm việc khoa học còn phải biết kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để ngày càng tiến bộ.

Phong cách nêu gương: Theo Hồ Chí Minh, phong cách nêu gương gắn liền với phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi người. Muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm, thống nhất trong lời nói và hành động, điều này sẽ mang lại được lòng tin và sự tôn trọng. Phong cách nêu gương không chỉ cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên mà trong mỗi gia đình, ông bà là tấm gương cho các cháu, cha mẹ phải là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương cho các em. Trong nhà trường, thầy cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới. Mỗi người đều phải tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành những tấm gương cho mọi người noi theo, có thế mới tăng thêm điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Câu hỏi 9: Cán bộ, hội viên, phụ nữ Việt Nam cần làm gì để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?

* Đối với hội viên, phụ nữ cần:

- Tự rèn luyện và hướng dẫn, giúp nhau rèn luyện trở thành người phụ nữ phát triển toàn diện (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước); tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; luôn nỗ lực tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc, đời sống.

- Hàng ngày, thực hành những hành động cụ thể theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là:

+ Học tập và làm theo “tư tưởng” Hồ Chí Minh: tham gia xây dựng khối đại đoàn kết, tin tưởng ở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, quan tâm xây dựng lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân, phát huy dân chủ tại cơ sở, sản xuất gắn liền với thực hành tiết kiệm…

+ Học tập và làm theo “đạo đức” Hồ Chí Minh: Rèn luyện và thực hành chuyển đổi hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nổi cộm tại địa bàn.

+ Học tập và làm theo “phong cách” Hồ Chí Minh: xây dựng lề lối, tác phong làm việc khoa học, trung thực, khách quan; luôn gần dân, tin dân, gắn bó với nhân dân; cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, chân tình; nói và viết giản dị, cụ thể, ngắn gọn, hàm sức, có lượng thông tin cao…

­- Tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống tiến bộ, văn minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ.

- Tự giác chấp hành và vận động người thân trong gia đình, mọi người trong cộng đồng chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động do Hội tổ chức để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.  

 - Biết cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình, có kế hoạch chi tiêu hợp lý; biết cách phân công, chia sẻ công việc gia đình hợp lý cho các thành viên; cùng chồng nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; không phó mặc việc nuôi dạy con em cho nhà trường, xã hội.

- Đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và công tác; biết vượt khó làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và quê hương đất nước. Quan tâm, giúp đỡ phụ nữ và những người khác trong cộng đồng cùng phát triển kinh tế.

- Thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt; mở rộng nội dung tiết kiệm theo Bác (về thời gian, về năng lượng, nguồn nước, chi phí cho các lễ hội, các sự kiện ...)

 - Tham gia sinh hoạt Hội đầy đủ, đúng giờ, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Hội.

* Đối với cán bộ Hội LHPN các cấp:

Ngoài những nội dung cần làm của hội viên, phụ nữ; cán bộ Hội các cấp cần:

- Nêu cao bản lĩnh chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; chống suy thoái về chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo.

- Cải tiến lề lối làm việc hiệu quả, sáng tạo; xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, văn minh. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

- Các cấp Hội chủ động tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hội viên, phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn, cơ hội việc làm, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ vượt qua khó khan; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập kỹ năng để bồi dưỡng, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, phụ nữ.

- Cán bộ Hội cần xây dựng mối quan hệ mật thiết với hội viên, phụ nữ, đề cao phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Tăng cường vai trò hướng dẫn hoạt động ở cơ sở. Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở phải trực tiếp hướng dẫn hoạt động đối với các chi hội; trực tiếp phổ biến thông tin kiến thức cho chị em hội viên.

Các tin khác