Làn da rám nắng, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi là cảm nhận chung mỗi khi gặp chị Nguyễn Thị Là ở xóm 10, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh. Ẩn sau dáng người nhỏ bé ấy là sự mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng vượt khó để xây dựng mô hình phát triển kinh tế có doanh thu 300-400 triệu/năm, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình.
Năm 1993, chị Là xây dựng gia đình với chồng là người cùng làng. Sau khi cưới, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn khi anh thường xuyên ốm đau, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 4 sào ruộng. Thời điểm đó người dân chủ yếu làm nông nghiệp, với bản tính chăm chỉ, tháo vát, chị đã mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè để mua thêm 1 mẫu ruộng canh tác, cùng chồng khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Có thêm diện tích canh tác, anh chị động viên nhau cố gắng chăm chỉ làm việc, không quản nắng mưa, gian khó để “lấy công làm lãi”. Sau 5 năm, gia đình chị đã trả hết nợ và mua thêm 3 mẫu ruộng mới của bà con trong xóm để tiếp tục phát triển quy mô sản xuất lúa.
Càng làm càng “ham”, từ năm 2000 đến năm 2015, chị tiếp tục đấu thêm ruộng và phát triển diện tích trồng lúa lên 35 mẫu. Trong hành trình 15 năm gắn bó với nghề trồng lúa, chị đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như : máy cày, máy gặt, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy sát gạo,… Chị thuê thêm 15 nhân công thường xuyên cùng chị làm việc tất cả các khâu từ gieo mạ, làm đất, bón phân, chăm sóc và thu hoạch lúa. Có một điều đặc biệt là chị tự ươm lúa giống trên chính cánh đồng nhà mình, tuy là “cây nhà” nhưng lúa giống do chị nhân vẫn đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị tập trung trồng các loại thông dụng như: lúa Tám, Nếp hương, Đài thơm, ST25,… xuất bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình chị đạt 300 – 400 triệu đồng/năm.
Khi công việc trồng lúa đã đi vào ổn định, với sự nhạy bén và óc sáng tạo, chị Là tiếp tục tận dụng diện tích kênh mương, đất trống khu vực đầu bờ ruộng để trồng thêm rau củ theo hướng an toàn. Theo chị chia sẻ: làm nông nghiệp bây giờ không còn vất vả như trước bởi chúng ta có thể áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhưng để mô hình mang lại hiệu quả cao thì người nông dân cần sự năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi để bắt kịp xu hướng phát triển của những loại cây trồng mới. Chị đã đi thăm quan, học tập kinh nghiệm trồng rau củ từ các mô hình thành công của nông dân xã Khánh Thành. Khi bắt tay vào làm, chị mạnh dạn đầu tư thêm 300 triệu để mua cây giống, làm cỏ đầu bờ, đổ cột bê tông, lắp đặt hệ thống giàn lưới trên mặt kênh với diện tích hơn 14.000m2 để trồng đa dạng các loại rau củ quả như: bầu, bí, mướp nhật, khổ qua, rau cải, cà chua, ổi,… Đến thời điểm hiện tại, mô hình cho năng suất khá cao, doanh thu trung bình lên tới 7-8 triệu đồng/ngày.
Nhìn thấy tiềm năng lớn từ trồng rau, quả an toàn, các cấp Hội đã cùng với chị trung tuyên truyền hội viên, phụ nữ, thuyết phục các chị em cùng tham gia sản xuất rau củ an toàn theo hướng liên kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, thành lập “Tổ hợp tác sản xuất rau, quả an toàn”. Với mục tiêu xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, chị thường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng các thành viên về kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau. Thời gian đầu, sản phẩm chưa được nhiều người biết tới, chị chủ động liên hệ các thương lái, nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu “ăn sạch – sống xanh” của người tiêu dùng. Chỉ sau một thời gian ngắn, những nông sản rau quả tươi ngon, an toàn đã tạo nên thương hiệu, thu hút được nhiều thương lái và các hộ gia đình tới thu mua sản phẩm.
Để tổ hợp tác hoạt động chuyên nghiệp, định kỳ mỗi quý, chị tổ chức họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng, thảo luận tìm các giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên đều nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại. Ban đầu, tổ hợp tác có 10 hộ tham gia, đến nay số thành viên đã tăng lên 40 hộ.. Diện tích canh tác của tổ hiện nay là 10 hecta, năng suất trung bình 10 tấn/năm, thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Nhận xét về chị Là, đồng chí Phạm Thị Nhẫn, chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị còn là một chi hội trưởng phụ nữ năng động, nhiệt tình với các hoạt động phong trào của Hội và của địa phương. Năm 2014, chị đã hiến 165m2 đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn. Chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình cho các chị em trong chi hội; giúp đỡ người cao tuổi, trẻ em, phụ nữa gặp khó khăn trong cuộc sống. Trong gia đình, chị là người mẹ, người vợ đảm đang, nuôi dạy các con đều học giỏi, thành đạt và có công việc ổn định.
Có thể nói, chị Nguyễn Thị Là là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.Thời gian tới, ngoài việc duy trì sự ổn định của mô hình, chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới sản xuất bằng các phương thức, tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nông sản.
Vân Anh