Xuất thân từ một gia đình thuần nông, quanh năm bám vào ruộng vườn, chị Tuyết luôn trăn trở phải tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao cuộc sống.
Đầu năm 2013, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của địa phương, ngoài diện tích đất 313 của gia đình, chị Tuyết đã mạnh dạn thầu thêm một số diện tích ruộng trũng của các hộ dân cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi gia cầm, thủy sản.
Trên diện tích gần 3 mẫu, chị đã quy hoạch 2 mẫu đất đào ao thả cá giống và cá thương phẩm. Diện tích đất còn lại chị xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm và trồng các loại cây ăn quả.
Những năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu chăn nuôi theo hướng truyền thống nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vừa làm vừa tích lũy và học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, đồng thời nghiên cứu tham khảo qua các tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt.
3 năm sau đó trang trại của gia đình chị mới được hình thành và cho thu nhập ổn định. Hiện chị luôn duy trì nuôi gần 3.000 con gà thương phẩm, cộng với 2 ao cá, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng. Gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động thời vụ với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tuyết còn luôn chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên trong chi hội về các kỹ thuật chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ con giống cho các chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn, tạo điều kiện để họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương, chị còn là tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu trong các phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” của địa phương. Xứng đáng để nhiều hội viên học tập và làm theo.