Hôm nay, công việc của chị Hoa không chỉ là ra y lệnh, mà chị còn làm bác sĩ điều trị tâm lý cho thương binh Nguyễn Văn Nhất, khi bác Nhất không chịu lên phòng tập phục hồi. “Mặc dù không nói ra, song tôi hiểu bác Nhất đang rất buồn khi không có người thân tới thăm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ như nhiều đồng đội ở đây.
Quê bác Nhất ở tận miền nam, gia đình cũng chỉ còn vài người họ hàng xa nên rất ít khi tới đây thăm bác. Không chỉ bác Nhất, nhiều bệnh nhân ở đây có diễn biến tâm lý rất phức tạp, vì vậy các y, bác sĩ phải có sự thấu hiểu, quan sát tinh tế để kịp phán đoán và có liệu pháp tâm lý phù hợp. Chỉ vài câu thăm hỏi ân cần là các bác lại vui vẻ, lạc quan trở lại thôi” - bác sĩ Hoa chia sẻ.
Chăm sóc bệnh nhân vốn dĩ đã vất vả, bệnh nhân lại hầu hết là người bị tâm thần mãn tính thì công việc của người thầy thuốc vất vả hơn rất nhiều, nhất là khi nhiều bệnh nhân tuổi đã cao, mắc thêm nhiều bệnh thông thường khác. Hậu quả của chiến tranh, bệnh tật… ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của bệnh nhân, có bác bị liệt, nhiều bác phải nhờ đến xe lăn mỗi khi đi lại hoặc đôi tay run rẩy ngay cả khi tự làm những việc nhẹ nhàng…
Nhìn những hình ảnh ấy, bác sĩ Hoa và đồng nghiệp lại càng tự nhủ phải gần gũi, yêu thương, tích cực áp dụng những sáng kiến để nâng cao hiệu quả, rút ngắn quá trình điều trị phục hồi cho thương, bệnh binh.
Mỗi ngày, hai lần các y tá, điều dưỡng lại hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân luyện tập phục hồi, có những động tác vật lý trị liệu đòi hỏi cả điều dưỡng và bệnh nhân phải có lòng kiên trì mới có thể duy trì bài tập một cách có hiệu quả nhất.
Trong khi đó, nhiều bệnh nhân trí nhớ không tốt, không nhớ được các động tác luyện tập, những lúc ấy các y, bác sĩ lại tận tình hướng dẫn, “nhắc bài” cho các bác.
Hiện nay, toàn khoa bệnh nhân phục hồi có 11 cán bộ, nhân viên, trong đó chỉ có 1 bác sĩ. Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, với vai trò là trưởng khoa, bác sĩ Hoa khuyến khích, động viên các y tá, điều dưỡng đi học nâng cao trình độ, đặc biệt là khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc.
Nhờ đó, đội ngũ y tá, điều dưỡng của Khoa ngày càng vững vàng chuyên môn, bản lĩnh trong ứng xử các tình huống khó. Chất lượng điều trị được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tăng cao, có những bệnh nhân bị liệt nhưng nhờ kiên trì luyện tập đến nay đã có thể tự đi lại được.
Bên cạnh đó, các y, bác sĩ luôn làm tốt công tác tư tưởng, động viên, khích lệ kịp thời để người bệnh thêm lạc quan, tích cực tập luyện. “Nhiều bác thương binh tuy trí nhớ không còn tròn vạnh, không nhớ nổi quê hương, gia đình… nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, vào những ngày lễ, tết họ vẫn mong mỏi người thân trong gia đình tới thăm.
Những lúc ấy, chúng tôi lại càng tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để thực sự trở thành điểm tựa tinh thần cho người bệnh. Đó cũng là cách để chúng tôi tỏ lòng tri an đối với các bác- những người lính dũng cảm dành cả tuổi xuân, vào sinh ra tử để đất nước có ngày độc lập hôm nay”- chị Hoa nói.
Đặc biệt, bác sĩ Hoa và các cán bộ, nhân viên trong khoa đã có những việc làm rất thiết thực, ý nghĩa như khâu lại những bộ quần áo, chăn màn cũ rách của thương, bệnh binh, để dùng hỗ trợ cho bệnh nhân an sinh xã hội lúc thiếu, vận động cán bộ, viên chức ở khoa, gia đình bệnh nhân quyên góp quần áo cũ để sử dụng cho bệnh nhân tâm thần xã hội hay kích động xé quần áo và đã được lãnh đạo ghi nhận và động viên.
Bác sĩ Hoa cũng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị khắc phục, nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp quản lý bệnh nhân theo mô hình “Quản lý mở” mà các Trung Tâm và bệnh viện tâm thần khác chưa làm được.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, chị Hoa cùng các cán bộ, công nhân viên Trung tâm còn vận động quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, bệnh binh, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp 27/7 cho thương, bệnh binh, tổ chức cho bệnh nhân ăn tết, đón giao thừa tại đơn vị…