Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Thứ Tư, 18/09/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Phụ nữ Ninh Bình khởi nghiệp sáng tạo, bứt phá thành công

Thứ Ba, 12/03/2024

Khởi nghiệp với "phái yếu" luôn đặt ra cơ hội song cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ của gia đình và sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vượt qua những định kiến, rào cản về giới và khởi nghiệp thành công.

Phụ nữ Ninh Bình khởi nghiệp sáng tạo, bứt phá thành công

Tổ hợp làm nón lá của chị Mai Thị Huệ, xã Gia Vượng (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Những ngày giáp Tết, homestay "Tràng An quê tôi" ở thôn Nội (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) luôn nhộn nhịp khách. Tiếng chuông điện thoại của chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, chủ homestay liên tục reo lên. Đó là những cuộc gọi của khách đặt phòng, dịch vụ ăn uống trong những ngày nghỉ lễ. Chị Lan cho biết: "Tôi khởi nghiệp từ con số không. Hành trang duy nhất tôi có để tạo nên thành công trong kinh doanh homestay ngày hôm nay đó là sự ủng hộ hết mình của gia đình và sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp Hội Phụ nữ". 

Trước đây, chị Lan cùng chồng làm thuê tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Cuộc sống không dư giả nhưng cũng gọi là tạm đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 ập đến, một thời gian dài ngành Du lịch dừng hoạt động, các dịch vụ kèm theo bị tê liệt, người lao động, nhất là lao động tự do như vợ chồng chị bị mất việc làm. Năm 2019, chị bàn với chồng tìm cách chuyển đổi sinh kế. Tận dụng lợi thế nhà gần núi, có khí hậu ôn hòa, mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ, lại gần các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh, vợ chồng chị Lan quyết định xin cấp phép kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ. "Bước vào thực hiện, khó khăn lớn nhất của gia đình tôi lúc này là thiếu vốn. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện vay vốn từ Chương trình giải quyết việc làm, cùng với vay anh em họ hàng, tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đã giải quyết được phần nào kinh phí mua nguyên vật liệu" - chị Lan tâm sự.

Sau 3 năm nỗ lực xây dựng, homestay của gia đình chị Lan chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. Mới đầu chỉ có vài đoàn khách nhưng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, khách biết đến homestay của gia đình chị nhiều hơn. Dần dần, homestay "Tràng An quê tôi" lúc nào cũng kín phòng, nhất là vào cuối tuần, dịp lễ, Tết. Ước tính mỗi năm, gia đình chị Lan đón hơn 1.000 lượt khách. Bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí ước đạt 30 triệu đồng/tháng, cao điểm có thể đạt từ 50-60 triệu đồng/tháng, giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định, chủ động công việc. 

Phụ nữ Ninh Bình khởi nghiệp sáng tạo bứt phá thành công

Homestay của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, xã Ninh Xuân (Hoa Lư). Ảnh: Giáng Hương

Cũng là phụ nữ đứng chủ nhưng chị Mai Thị Huệ (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) lại chọn cho mình sản phẩm truyền thống có từ hàng trăm năm để khởi nghiệp. Xuất thân trong gia đình có nhiều đời làm nón lá, từ khi mới là cô bé 6,7 tuổi, chị Huệ đã thành thạo một số bước trong quy trình làm nón. Lớn lên như nhiều chị em trong thôn, chị Huệ tiếp tục gắn bó với nghề. Tuy nhiên, chị Huệ nhận thấy dù nghề mang lại nguồn thu cho chị em những lúc nông nhàn nhưng chưa ổn định, hiệu quả chưa cao. Trăn trở nhiều năm liền, cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, chị Huệ quyết định đứng ra thành lập Tổ hợp tác làm nón lá thôn 1, xã Gia Vượng. Thay vì trước đây mỗi hộ dân tự tìm kiếm nguyên liệu, làm tất cả các khâu trong quy trình sản xuất nón, tự tìm đầu ra cho sản phẩm, thì nay, chị Huệ đứng ra lo nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, chị em chỉ đến lấy về khâu và hoàn thiện. 

Nhờ sự nhanh nhạy của chị Huệ, đến nay sản phẩm nón lá đã được huyện Gia Viễn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ khi thành lập Tổ hợp tác, số lượng sản phẩm của bà con đã tăng lên gấp đôi, có thời điểm tăng lên gấp 3 lần so với trước đây. Ước tính, mỗi ngày Tổ hợp tác xuất bán từ 60-100 chiếc nón lá, tạo việc làm ổn định cho 32 thành viên. 

"Tôi đang ấp ủ dự định mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm nón lá ở Đình làng thôn, đồng thời kết nối xây dựng tour du lịch tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm làng nghề truyền thống. Nếu được như vậy, sản phẩm nón lá của Gia Vượng sẽ ngày càng vươn xa và nâng tầm về giá trị, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là những lao động nữ" - chị Huệ chia sẻ. 

Chị Lan và chị Huệ là hai trong số rất nhiều tấm gương phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, rào cản trong cuộc sống, kiên trì với mục tiêu và khởi nghiệp thành công. Đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cùng với khát vọng vươn lên của chính chị em phụ nữ, thời gian qua, để hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi nghiệp, Hội LHPN các cấp của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ. Nhất là Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Thủ tướng Chính phủ được Hội LHPN tỉnh thực hiện với đa dạng các hình thức như: Hỗ trợ vay vốn, tổ chức tọa đàm, truyền thông, tập huấn, tạo điều kiện tham gia trưng bày sản phẩm, các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh… Sau hơn 5 năm triển khai, Đề án đã giúp hàng nghìn phụ nữ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với nhiều ý tưởng sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực. Riêng năm 2023, thực hiện Đề án, các đơn vị cấp huyện đã tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ cho trên 300 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các cấp Hội cũng phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh các đặc sản địa phương, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh cho 700 nữ chủ doanh nghiệp, Tổ Hợp tác, HTX. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập, ra mắt 4 HTX và 6 Tổ hợp tác; hỗ trợ đăng ký kinh doanh và quy trình công nhận 16 sản phẩm OCOP… Qua đó, một số hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các Công ty và HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, tạo điều kiện ổn định về đầu ra của sản phẩm, góp phần hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp thành công. 

Hồng Giang
Theo Báo Ninh Bình

Các tin khác