Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Dân vận khéo góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Cúc Phương

Thứ Sáu, 04/10/2019
Cúc Phương là xã vùng cao của huyện Nho Quan, có trên 96% đồng bào dân tộc Mường sinh sống với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Cúc Phương đã đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”, nhằm lưu giữ nét đẹp quê hương, là nhân tố thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Vào những ngày cuối tuần, tại Nhà văn hóa thôn Nga 3 lại rộn ràng tiếng cồng chiêng, những điệu hát Mường của các cô, các chị hội viên phụ nữ xã Cúc Phương. Cô Đinh Thị Đăng, thôn Sấm 2, năm nay đã 62 tuổi nhưng bằng tình yêu làn điệu hát Mường của dân tộc mình, cô luôn tích cực tham gia Câu lạc bộ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường của xã.
 
Cô Đăng chia sẻ: Ngay từ nhỏ, tôi đã được bà, mẹ truyền dạy điệu hát dân tộc Mường. Khi 15 tuổi tôi đã biết hát những điệu hát ru, hát đúm, hát giao duyên, hát rằng thường… Mỗi làn điệu là câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu, hay lời chúc năm mới, để mỗi người con dân tộc Mường giao lưu, chuyện trò cùng nhau.
 
Yêu thích những điệu hát, điệu múa riêng có của dân tộc mình, nhiều năm nay tôi cùng các chị em phụ nữ trong thôn, trong xã tích cực tham gia sinh hoạt CLB, cùng nhau tập luyện và biểu diễn trong các hoạt động lễ, tết, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bà Bùi Thị Ân, Phó Chủ nhiệm CLB giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường xã Cúc Phương cho biết: CLB được thành lập từ năm 2016 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường; tập hợp, tạo điều kiện cho những người yêu thích văn hóa, văn nghệ được giao lưu, học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo sân chơi lành mạnh cho các hội viên tham gia, đồng thời truyền lại những nét đẹp và giá trị văn hóa lâu đời của người Mường cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy.

Trong số các làn điệu, hát Mường, khó nhất là hát sắc bùa. Hát sắc bùa thể hiện những khát vọng, hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Mỗi phường bùa có từ 4-7 người, trùm phường là người hát chính, có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Trong xã hội hiện đại, điệu hát sắc bùa đang có nguy cơ mai một, do đó, hiện nay, các thành viên CLB đang nỗ lực luyện tập các điệu hát sắc bùa với mong muốn được lưu truyền rộng rãi trong các thế hệ người Mường - bà Ân chia sẻ thêm.

Đồng chí Ngô Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cúc Phương cho biết: Cúc Phương hiện nay còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường như hát giao duyên, hát ru, hát đúm, hát sắc bùa, hát rằng thường, mo mường, bọ mẹng, đánh mảng, biểu diễn cồng chiêng…

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tháng 3/2016, được sự định hướng, chỉ đạo của Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Nho Quan, Hội Phụ nữ xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập “CLB giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” tại thôn Bãi Cả.

Bằng công tác “dân vận khéo”, Hội Phụ nữ xã đã triển khai tới các chi hội thôn, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ có vốn kiến thức về văn hóa mường, có năng khiếu văn nghệ, khuyến khích hội viên phụ nữ trẻ tham gia sinh hoạt CLB. Đã có 10/10 thôn có hội viên phụ nữ tham gia CLB, thu hút 50 thành viên, trong đó chủ đạo là hội viên phụ nữ.

Các thành viên trong CLB có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, khôi phục, truyền dạy cho các thành viên các làn điệu dân ca, bài hát Mường; điệu múa sạp, múa quạt; bảo tồn biểu diễn cồng chiêng; các trò chơi truyền thống; các trang phục áo váy; các lễ hội truyền thống như lễ xuống đồng, lễ cơm mới…

Tổ chức tập luyện các bài hát sắc bùa, các làn điệu hát ru, hát đối của dân tộc Mường, phù hợp, gần gũi với nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường. Tổ chức và tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các CLB và một số hoạt động khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, các hội viên của CLB được tham gia tập luyện theo sở thích trong các buổi sinh hoạt thường kỳ.

Các thành viên trong CLB luôn ý thức được việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tích cực khuyến khích, vận động con, cháu tham gia và truyền dạy những điệu múa, bài hát cho thế hệ trẻ nhằm lưu giữ lại nét văn hóa của cha ông. Đồng thời, tích cực tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân biết và hiểu rõ về các giá trị văn hóa của người Mường nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương.

Bằng sự sáng tạo trong hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Hội Phụ nữ xã Cúc Phương không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của địa phương, mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa trên các bản làng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 
Các tin khác