Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Ghi nhận về công tác phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp Hội LHPN trong tỉnh

Thứ Ba, 18/06/2019
Nhằm thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời, xây dựng các hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ cho các nạn nhân BLGĐ. Hội đã quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... Xây dựng các mô hình tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ như: Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, Câu lạc bộ ngôi nhà an toàn cho trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục, cha và con thân thiện, nam giới không nghiện rượu… Các cấp Hội phụ nữ tập trung đổi mới các hình thức tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, kết hợp với tư vấn, trợ giúp pháp lý, giao lưu, đối thoại và lựa chọn nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên và nhân dân về phòng, chống BLGĐ.

Thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao lưu, tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, thu hút hơn 10.000 lượt người tham dự. Biên soạn và cấp phát 15 nghìn bản tài liệu phục vụ cho sinh hoạt của các cấp hội phục vụ công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình và phòng, chống BLGĐ. Thành lập 42 góc tư vấn pháp luật và tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn. Hội phụ nữ các cấp tổ chức 30 cuộc đối thoại trực tiếp với 6.000 cán bộ, hội viên phụ nữ của 65 xã, phường để trao đổi về bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, không có BLGĐ; chỉ đạo điểm tổ chức các diễn đàn “Hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ BLGĐ”, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và cả nam giới ở nhiều lứa tuổi tham gia.

Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam (28/6), hàng năm các cấp hội tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc”, hội nghị gặp mặt, biểu dương các gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực như: Nuôi con giỏi, dạy con ngoan, làm kinh tế giỏi để trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi những kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, không có BLGĐ; đồng thời tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Các phong trào trên đã tạo sức lan tỏa trong toàn thể cán bộ, hội viên, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trong thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản sắc văn hóa. Nhiều mô hình câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ đã và đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong việc thực thi các nội dung của Luật Phòng, chống BLGĐ.

Hội LHPN tỉnh còn ban hành văn bản hướng dẫn các cấp Hội xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy” (là nơi tạm lánh để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các nạn nhân của BLGĐ) tại cộng đồng nhằm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.066 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trong những năm qua, các địa chỉ này đã thực hiện tư vấn tâm lý, pháp lý cho hơn 1.000 phụ nữ. Các CLB và địa chỉ tin cậy đã làm tốt công tác hòa giải khi phát hiện có xung đột, mâu thuẫn trong các gia đình, không để tình trạng BLGĐ kéo dài xảy ra. 

Khi có những vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại quyền trẻ em được phát hiện, các cấp hội phụ nữ đã thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em trong các vụ BLGĐ, bạo lực giới với phương châm không để vụ việc BLGĐ, bạo lực giới nào được phát hiện mà không có sự vào cuộc can thiệp của Hội. Ngay khi các vụ việc BLGĐ được phát hiện, các cấp Hội phụ nữ kịp thời có mặt, động viên, thăm hỏi về vật chất, tinh thần, nắm tình hình vụ việc và có tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, pháp lý cho nạn nhân; đồng thời phối hợp với chính quyền cấp xã, Công an và các cơ quan chức năng để đề nghị có biện pháp can thiệp, xử lý đối với người có hành vi BLGĐ, bạo lực giới, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và có nhiều giải pháp cụ thể để phòng, chống BLGĐ, nhận thức của hội viên phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhiều chị em đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của chính mình và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về vật chất lẫn tinh thần. Sự nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ trong công tác phòng, chống BLGĐ đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 303 vụ BLGĐ, đến năm 2017 đã giảm xuống còn 100 vụ. Để hoạt động phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mô hình, CLB, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thẳng thắn đưa những vụ BLGĐ ra trước ánh sáng. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn tâm lý, phòng, chống BLGĐ trong các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc.

Các tin khác