Bám sát mục tiêu Chương trình phối hợp, 2 năm qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp, phòng nông nghiệp huyện, các HTX nông nghiệp… tổ chức chuyển giao KHKT, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng các mô hình liên kết; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền các mô hình, điển hình về phát triển kinh tế; chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt hoạt động ủy thác vốn vay nhằm giúp hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Kết quả, các cơ sở Hội, chi hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, thu hút hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể như: Phối hợp tổ chức 370 buổi tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm; phối hợp tổ chức 24 lớp dạy nghề đan cói, đan bèo bồng, đan nhựa trên khung sắt cho 814 học viên và duy trì nghề thêu, may công nghiệp, khâu chăn bông xuất khẩu, xuyên hạt cườm, đan bèo bồng..., qua đó đã giới thiệu tạo việc làm cho 3.528 phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ chú trọng khai thác vốn cho phụ nữ vay và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn thông qua các tổ liên kết vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và PTNT, Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ, Quỹ quay vòng... Hiện nay, Hội đang quản lý 2.255 tỷ đồng cho 84.039 lượt người vay, trong đó có 14.052 lượt phụ nữ nghèo.
Quá trình tổ chức thực hiện chương trình phối hợp, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đặc biệt chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế hợp tác. Trong 2 năm qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức tư vấn và thành lập 2 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh..., thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Việc thành lập các HTX, tổ hợp tác đã giúp chị em phụ nữ có điều kiện liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tương trợ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm, từng bước khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”. Ngoài ra, để chị em có điều kiện tham gia sâu hơn vào phong trào phát triển kinh tế tập thể, các cấp Hội còn tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con mới có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu trong hoạt động này là Hội LHPN thành phố Ninh Bình xây dựng mô hình tổ liên kết làm bún bánh tại phường Nam Thành, tổ liên kết trồng giống lúa chất lượng cao xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tổ liên kết nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tổ liên kết sản xuất đa canh (chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả) tại xã Khánh Lợi, Khánh Công, Khánh Thủy, huyện Yên Khánh; tổ liên kết sản xuất chè xanh Ba Trại xã Quang Sơn, tổ liên kết trồng đào phai xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp…
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ mô hình tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến trong sản xuất đa canh tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp với 5 thành viên tham gia, diện tích 4ha trồng ổi kết hợp trồng táo, sim (chủ lực là cây ổi). Thông qua các hoạt động của mô hình đã nâng cao nhận thức của người tham gia mô hình và người dân trên địa bàn xã, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể tại địa phương là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ. Song điều quan trọng hơn, khi tham gia phát triển kinh tế tập thể đã giúp chị em hình thành tư duy phát triển kinh tế “mở”, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.