Ngày 14/9, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở GD&ĐT, LĐLĐ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và đại diện lãnh đạo, cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT đã trình bày quan điểm của Bộ GD&ĐT trong việc tham mưu sửa đổi, bổ sung 2 dự thảo Luật và một số nội dung sửa đổi, bỏ sung cơ bản của 2 dự thảo Luật.
Theo đó, so với các bản dự thảo trước đây, 2 dự thảo Luật sửa đổi lần này có nhiều điều bổ sung như: Đưa vào các quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu…
Về thời gian học tập của học sinh phổ thông; chính sách đối với giáo viên, định mức, số lượng, tỷ lệ giáo viên trên học sinh, trên lớp; việc mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả vấn đề tự chủ; đổi mới quản trị ĐH (nâng cao thực quyền hội đồng trường-HĐT)…
Quan điểm của Sở GD&ĐT Ninh Bình là đồng tình và ủng hộ đối với những đổi mới của dự thảo 2 Luật mà Bộ Giáo dục đang thực hiện lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện các Luật này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị đã tham gia phản biện, nêu ý kiến đồng tình, thống nhất cao về sự cần thiết trong việc ban hành các dự thảo Luật sửa đổi. Đồng thời bổ sung, nêu ý kiến đối với một số vấn đề như: Chính sách học phí đối với sinh viên sư phạm; việc xây dựng các nhà trẻ trong các khu công nghiệp.
Luật Giáo dục (sửa đổi) nên xây dựng nội dung trọng tâm ở từng cấp học cần hướng tới, như bậc tiểu học chú trọng dạy đạo đức, đến THCS chú trọng hơn tới giáo dục kiến thức, lên THPT cần quan tâm hơn tới bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh…
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn công tác phân luồng học sinh, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Cùng với đó, nhiều đại biểu đã thảo luận về quy định quản lý trường công-tư; về biên soạn, thay đổi sách giáo khoa; chính sách cho giáo viên; việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm yêu cầu thị trường, nhu cầu của người học....
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời tiếp thu và ghi nhận, tập hợp đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu làm cơ sở để xây dựng báo cáo phản biện hoàn chỉnh trình các cấp có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Giáo dục Đại học.