
Ở xã Trường Yên, mô hình của gia đình bà Nguyễn Thị Tương, thôn Tam Kỳ được biết đến là mô hình phát triển kinh tế mới, cho hiệu quả cao. Gia đình bà Tương đã thuê lại ruộng đất của người dân trong thôn với diện tích 9ha, đầu tư 2 máy làm đất, 2 máy cấy, 2 máy gặt vào sản xuất. áp dụng cấy lúa bằng hình thức gieo vãi, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình cho năng suất và chất lượng gạo ngon. Đồng thời, gia đình bà Tương còn học hỏi và tận dụng diện tích đất xung quanh bờ vùng, bờ thửa, đưa vào trồng cây thuốc trạch tả. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa hàng hóa và trồng cây dược liệu, mô hình kinh tế của gia đình bà Tương cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Đồng chí Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoa Lư cho biết: Trong các phong trào và hoạt động của Hội, Hội LHPN huyện Hoa Lư xác định, việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững có ý nghĩa và vai trò quan trọng, giúp cho chị em thấy được ý nghĩa thiết thực và gắn bó với tổ chức Hội. Để làm được điều đó, các cấp Hội phụ nữ trong huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua: “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống”; các mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo”, hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; thành lập “Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh”… tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao kiến thức, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện tạo điều kiện giúp đỡ về nguồn vốn vay; mở các lớp dạy nghề, hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ tại địa phương. Bằng những việc làm cụ thể như: Quan tâm, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tích cực chuyển giao KHKT, giới thiệu việc làm cho hội viên; hướng dẫn hội viên cách thức làm ăn, đầu tư, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả… Những tháng đầu năm 2018, Hội đã khai thác thêm được gần 60 tỷ đồng, cho gần 400 hộ vay, đưa tổng dư nợ hiện nay lên gần 200 tỷ đồng, cho gần 4 nghìn lượt người vay, trong đó có gần 500 hộ phụ nữ nghèo. Đến nay, trên địa bàn huyện Hoa Lư đã thành lập được 30 tổ liên kết, tổ vay vốn ở 100% xã, thị trấn. Hội phụ nữ cơ sở phối hợp tổ chức được hàng chục lớp dạy nghề khâu chăn bông xuất khẩu, đan cói, bèo bồng, nâng cao tay nghề thêu, hướng dẫn viên du lịch, lớp dạy duy trì nghề thêu, may công nghiệp, khâu chăn bông xuất khẩu… cho hàng trăm học viên và giới thiệu việc làm cho gần 1 nghìn hội viên phụ nữ. Hội phụ nữ các cấp trong huyện tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm khuyến nông huyện, HTX nông nghiệp tổ chức các lớp chuyển giao KHKT về kỹ thuật thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi… Mỗi năm tổ chức hàng trăm buổi chuyển giao KHKT, thu hút hàng chục nghìn lượt người dự nghe.
Không chỉ giúp phụ nữ về vốn, KHKT, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn như: Xây dựng các mô hình, tổ liên kết sản xuất chăn nuôi, mô hình phát triển kinh tế gia đình, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con mới có giá trị kinh tế cao. Đã vận động, thành lập “Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh”, với 35 thành viên, là những chị em đang sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ du lịch như bán hàng, chụp ảnh, chở đò… tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An… bước đầu hoạt động hiệu quả.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội LHPN huyện Hoa Lư đã động viên, khuyến khích và giúp cho nhiều hội viên phụ nữ trong huyện, đặc biệt là phụ nữ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất, có việc làm, từng bước nâng cao đời sống. Năm 2017, các cơ sở Hội đã giúp đỡ gần 40 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo; 9 tháng đầu năm 2018, có hàng chục phụ nữ nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, ngày công, cây giống, vật nuôi để phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.