Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Hội Phụ nữ huyện Yên Mô: Nhân rộng mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Thứ Sáu, 30/11/2018
Năm 2016, Hội Phụ nữ huyện Yên Mô đã xây dựng mô hình “Phụ nữ thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng” tại xã Mai Sơn. Đến nay mô hình đã và đang được nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, từng bước xóa bỏ thói quen vứt bừa bãi các loại bao bì thuốc BVTV ra ngoài đồng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, xây dựng những cánh đồng xanh, sạch, an toàn. Bà Bùi Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Mô cho biết: Xuất phát từ thực trạng nhiều nông dân, trong đó có hội viên, phụ nữ sau khi sử dụng thuốc BVTV thường có thói quen vứt bừa bãi vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc tại các cánh đồng, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với Đảng uỷ, UBND xã Mai Sơn triển khai xây dựng mô hình “Phụ nữ thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng” để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. 
 
Đây cũng là một trong những nội dung được Hội LHPN huyện xác định là điểm nhấn trong phong trào thi dua “Dân vận khéo”. Tại thời điểm triển khai mô hình, xã Mai Sơn là địa phương đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn xã có thói quen vứt các vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng xuống bờ ruộng hoặc kênh mương. Dư lượng hóa chất của thuốc BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đã gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước và đất đai, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trên địa bàn. Do vậy, khi Hội Phụ nữ huyện đề xuất xây dựng mô hình đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã và Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã cũng như nhiều người dân.

Để xây dựng mô hình, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã hỗ trợ xây dựng 25 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng với tổng giá trị 10 triệu đồng. Số tiền này được trích từ kinh phí chi thường xuyên của Hội và một phần vận động xã hội hoá. Các bể được làm bằng bê tông, kích thước 80cm x 80cm, có nắp đậy và được đặt ở những vị trí cố định trên lối dẫn ra đồng ruộng để tiện cho người dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thu gom bỏ vào bể. Các bể thu gom cũng được đặt ở các vị trí phù hợp, thuận tiện đường giao thông, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Cùng với đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, Hội LHPN huyện đã tổ chức hội nghị truyền thông, tuyên truyền và phát động cho hội viên phụ nữ toàn xã ký cam kết đảm bảo thực hiện đúng các nội dung hoạt động của mô hình. 

Đồng thời mỗi hội viên phụ nữ cũng là một tuyên truyền viên tích cực, vận động chồng, con, người thân tự giác thực hiện, không bỏ các loại rác khác (xác động vật, cỏ rác...) vào bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. Sau khi kết thúc mỗi đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh và sau các mùa vụ, các tổ thu gom rác thải của Hội Phụ nữ xã thành lập tổ thu gom đưa đến địa điểm tập kết của xã và xe chuyên dụng của Trung tâm Môi trường đô thị huyện chở đi xử lý. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Phụ nữ xã Mai Sơn đã từng bước thay đổi thói quen không tốt của nhiều nông dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 17 về môi trường (trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới) để cuối năm 2016 xã Mai Sơn về đích xây dựng nông thôn mới như kế hoạch đề ra.

Từ mô hình điểm tại xã Mai Sơn đã góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành thói quen tốt cho hội viên, phụ nữ và nhân dân. Vì vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Yên Mô đã rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình này tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Để có nguồn kinh phí triển khai mô hình, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt như: Trích từ nguồn kinh phí xây dựng Quỹ hội của các đơn vị, vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ; tích cực tham mưu cho UBND xã, các HTX hỗ trợ. Tại một số chi hội còn thực hiện thu gom phế liệu để gây quỹ thực hiện mô hình... Bằng các hoạt động trên, đến nay, toàn huyện đã có 17/17 xã, thị trấn lắp đặt bể thu gom bao bì thuốc BVTV với tổng số 780 bể. Các bể thu gom được đặt tại các xứ đồng đã phát huy hiệu quả, từng bước tạo thói quen bảo vệ môi trường cho người dân.

Các tin khác