Chiều 20/11, tại xã Yên Sơn, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến trong sản xuất đa canh tại xã Yên Sơn (Tam Điệp). Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PNT, lãnh đạo thành phố Tam Điệp. Thực hiện Quyết định số 606 ngày 24/4/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về "phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và khảo sát nhu cầu của các hộ trên địa bàn xã Yên Sơn để triển khai thực hiện.
Theo đó, Hội đã lựa chọn 5 hộ thuộc “tổ hợp tác trồng cây ăn quả” tại các thôn: Vĩnh Khương, Yên Phong, Đoàn Kết, Yên Trung tham gia mô hình với diện tích 4ha trồng ổi kết hợp trồng táo, sim (chủ lực là cây ổi).
Quá trình triển khai, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 891 giống cây ổi và 300kg phân bón cho 5 hộ gia đình tham gia mô hình. Hội chủ động phối hợp với ngành chức năng, các cấp trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất đa canh, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình địa phương, mùa vụ và thời tiết cho 50 hộ gia đình đã và đang có nhu cầu trồng và chăm sóc cây ổi sen canh các cây ăn quả khác;
Tổ chức tập huấn các chuyên đề: An toàn thực phẩm trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình sản xuất theo mô hình công nghệ cao; Kỹ thuật thâm canh cây ổi, táo, sim... qua đó giúp các hộ nâng cao kỹ năng trồng và chăm sóc cây đảm bảo an toàn, chất lượng. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Công ty TNHH Minh Tài Green hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm hỗ trợ cho 1 hộ gia đình để rút kinh nghiệm.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh: Sau gần 1 năm hỗ trợ mô hình tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến trong sản xuất đa canh tại xã Yên Sơn, đến nay bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.
Thông qua mô hình đã nâng cao nhận thức của người tham gia mô hình và người dân trên địa bàn xã, từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.