Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Hội phụ nữ xã Đức Long: Hiệu quả từ việc thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”

Thứ Ba, 18/12/2018
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đức Long (Nho Quan) đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của Hội. Qua đó, chị em hội viên đã tích cực tham gia các hoạt động Hội, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Hội Phụ nữ xã Đức Long hiện có 12 chi hội, trong đó hội viên theo đạo công giáo chiếm 1/3 tổng số hội viên trong toàn xã. Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp nên đời sống, kinh tế của chị em hội viên còn nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Hạt, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đức Long cho biết: Xác định rõ phong trào Dân vận khéo đóng một vai trò quan trọng, chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình, trong đó chú trọng phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững bằng các giải pháp thiết thực. Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình kinh tế gia đình. Các hoạt động tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến chị em hội viên với nhiều hình thức đổi mới và sáng tạo như các buổi tọa đàm, hội thi tìm hiểu kiến thức, hội diễn văn nghệ, các lớp tập huấn về phát triển kinh tế… Để thực hiện tiêu chí “không đói nghèo”, Hội chú trọng xây dựng các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, tạo điều kiện để chị em hội viên được tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Hội đã phát động 12/12 chi hội thực hành tiết kiệm theo lời Bác với nhiều hình thức như: “Tiết kiệm tại gia đình, chi hội”, “Nuôi heo đất”, tiết kiệm từ việc thu gom phế liệu với tổng số tiền là 330 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, với ý nghĩa nhiều người giúp một người “10+1” thực sự tạo được niềm tin của chị em. Nguồn vốn trên được sử dụng có hiệu quả, các hộ gia đình đã phát triển mạnh các mô hình kinh tế, từ đó đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi như gia đình chị Lưu Thị Oanh, Nguyễn Thị Đàm. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã giảm từ 7,5% (năm 2016) xuống 5,3% (năm 2017).

Trong xây dựng nông thôn mới, Hội xác định điểm nhấn của phong trào chính là cuộc vận động xây dựng mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”. Hàng năm, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chi hội, sinh hoạt CLB, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu được tầm quan trọng, lợi ích, mối quan hệ tác động giữa các tiêu chí của cuộc vận động để tự giác thực hiện. Hội tiến hành rà soát các hộ gia đình chưa đạt các tiêu chí của cuộc vận động, tìm ra nguyên nhân, giải pháp và cử cán bộ hội phụ trách giúp đỡ cụ thể, thực hiện các nhiệm vụ theo thang điểm đánh giá xếp loại thi đua với tiêu chí cụ thể nhằm động viên phụ nữ tích cực thực hiện phong trào thi đua. Kết quả qua 2 năm thực hiện dân vận khéo, gia đình hội viên phụ nữ đã hiến được 3.000 m2 đất để xây dựng trường cấp 2 đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tham gia đóng góp được 1,9 tỷ đồng để xây dựng được 17,5km đường giao thông nông thôn và 11km đường thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó các gia đình hội viên đã tự nguyện chặt 4.172 cây cối lâu năm để mở rộng hành lang giao thông. Đặc biệt, năm 2017, xã đón chuẩn nông thôn mới, Hội đã tuyên truyền, vận động gia đình hội viên tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng 5 nhà văn hóa thôn với tổng trị giá là 1,5 tỷ đồng.

Trong công tác vệ sinh môi trường, Hội Phụ nữ xã Đức Long đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình như: “Thứ bảy sạch”, “Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, “ống cống thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”…Đến nay, đã có 12 đoạn đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường, thu về quỹ hơn 14 triệu đồng từ nguồn thu gom phế liệu. Các tuyến đường liên thôn trong toàn xã đều được chị em các chi hội trồng hoa, phân công người thường xuyên chăm sóc, qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

 
Các tin khác