Mô hình phát triển kinh tế bằng gia công hàng mỹ ký, đính hạt cườm của chị Vũ Thị Thùy, hội viên phụ nữ chi hội thôn 7 cũng bước đầu có kết quả khả quan.
Chị Thùy cho biết: Trăn trở với vấn đề tạo việc làm cho chị em quê hương, nhận thấy nghề gia công hàng mỹ ký và đính hạt cườm cho ngày công đạt, điều kiện làm việc sạch sẽ, có thể tận dụng được thời gian chăm con, việc nhà của phụ nữ. Do đó, tôi đã đăng ký mở mô hình này tại gia đình được 1 năm nay.
Đến nay mô hình kinh tế gia đình đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 người và giao cho 150 chị em phụ nữ mang về nhà làm, thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Hội Phụ nữ xã Phú Sơn huyện có 682 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội, phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Đồng chí Vũ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã được Hội tập trung chỉ đạo, hằng năm tiến hành rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể.
Hội đã phối hỗ trợ chị em vay vốn đầu tư sản xuất, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tranh thủ khai thác và quản lý chặt chẽ các nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, các nguồn huy động từ đóng góp tiết kiệm của hội viên phụ nữ, từ nguồn phân bổ các chương trình vay vốn, giải quyết việc làm của Hội cấp trên...
Năm 2018, Hội đã hỗ trợ 2 phụ nữ khởi nghiệp và tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay, Hội phụ nữ xã đang quản lý 2 nguồn vốn với tổng số tiền là trên 9 tỷ đồng cho gần 200 hội viên.
Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm được Hội chú trọng. Hội đã tổ chức 2 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động và phối hợp với Công ty điện tử mCNEX VINA Ninh Bình tổ chức hội nghị giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ. Qua đó đã có 40 chị đi làm với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, bám sát đặc thù của địa bàn, Hội chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên, chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhiều chị từ kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nay đã chủ động học tập để có kiến thức áp dụng vào thực tế; nhiều chị từ chỗ thiếu vốn làm ăn nay đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng các mô hình, mở rộng chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.
Đã có 18 gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, gia đình chị Nguyễn Thị Hà với mô hình trang trại nuôi lợn thịt, ao thả cá thôn 7; mô hình nuôi vịt, lợn và thả cá của chị Vũ Thị Lan Thúy thôn 3; mô hình trồng Thanh Long của chị Vũ Thị Hoa thôn 3... cho thu nhập bình quân đạt 130 triệu đồng/năm. Năm 2018, đã có 31 hội viên thoát nghèo, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 11,4% năm 2017 xuống còn 6,7% năm 2018.