Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Hội Phụ nữ Yên Mô: Phát huy vai trò phản biện xã hội

Thứ Sáu, 02/08/2019
Mới đây, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện Yên Mô chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hội nghị phản biện đã thu được nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các quan điểm xây dựng dự thảo luật về các điều khoản liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới..., qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính đúng đắn, khoa học và có tính khả thi cao. Song điều quan trọng là thông qua hội nghị giúp các cấp Hội Phụ nữ trong huyện có thêm kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình. Đồng chí Bùi Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Mô cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Yên Mô đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án của địa phương và đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện Yên Mô. Tuy nhiên, Hội mới chỉ tham gia góp ý vào dự thảo các văn bản theo sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, của Thường trực Huyện ủy và đề nghị của các cơ quan chức năng trong huyện. Do đó, đây là lần đầu tiên Hội Phụ nữ huyện thực hiện chức năng phản biện xã hội theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. “Với sự hỗ trợ, chỉ đạo điểm của Hội LHPN tỉnh, sự tham gia đóng góp ý kiến chất lượng, hiệu quả của các vị đại biểu, hội nghị phản biện về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã thành công.

Tham dự hội nghị phản biện, đứng về góc độ những người làm công tác Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động, đồng chí Lê Văn Bình, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô nêu quan điểm: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục những bất cập, vướng mắc về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn một số quy định chưa hợp lý, cần cân nhắc, như quy định tăng tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ, nghỉ Tết... Chủ tịch LĐLĐ huyện dẫn chứng: Huyện Yên Mô hiện có hơn 7.500 CNVCLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó nữ hơn 6.000 người (chiếm 82,8%); nhóm lao động kỹ thuật hầu hết là công nhân nữ trực tiếp tham gia may mặc, giày da, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động chân tay nhiều (chiếm hơn 80%). Đó là chưa tính các lực lượng lao động khác hiện chưa tham gia BHXH và không nằm trong tác động của Luật. Qua tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người lao động thì đa số người lao động muốn nghỉ theo chế độ hiện hành để bảo đảm sức khỏe chứ không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo Luật. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ khó khăn trong việc giữ được việc làm. “Từ thực tế trên, tôi kiến nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn, nhất là xem xét lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học...”- đồng chí Lê Bình nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô: Tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô, nhất là các công ty giày da, may mặc hầu hết đều có thời gian tăng ca trung bình từ 40 đến 50 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Lý do, do doanh nghiệp thiếu lao động, do không tuyển dụng được thêm lao động nên phải tăng ca để hoàn thành đơn hàng (Athena VN, Hui Yao, Asia+...). Một lý do rất quan trọng nữa là đời sống công nhân lao động hiện nay nhìn chung vẫn còn khó khăn. Số công nhân có lương và thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống vẫn chiếm số lượng lớn. “Với cương vị là những người làm công tác Công đoàn, thực sự chúng tôi không muốn tăng thêm giờ, vì tăng giờ ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe của người lao động, bản thân người lao động cũng cần có thời gian nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động cũng như có thời gian để chăm sóc gia đình. Do đó, tôi kiến nghị: Khi tính toán nới rộng khung giờ làm thêm, cần có quy định một số điều kiện cụ thể như: Có nhà trẻ chăm sóc con công nhân (trong thời gian làm thêm); quy định rõ từng ngành, nghề được phép áp dụng tối đa số giờ làm thêm ở mức 400 giờ/năm. Ngoài ra, để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm giờ không đúng quy định, cần ràng buộc bằng việc quy định mức lương trả cho thời gian làm thêm được tính theo phương pháp lũy tiến, càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Điều này sẽ làm chủ sử dụng lao động phải cân nhắc kỹ giữa việc tăng giờ làm thêm hay cải thiện điều kiện làm việc để tăng năng suất lao động”. Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô nêu kiến nghị.

Đồng chí Bùi Thị Định, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Mạc cho biết: Ngay sau khi được tiếp cận với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Hội Phụ nữ xã đã triển khai tuyên truyền và sao y dự thảo, chuyển đến 15/15 chi hội phụ nữ các khu dân cư để chị em phụ nữ trong xã có điều kiện nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến. Quá trình tổng hợp ý kiến từ các hội viên ở các chi hội cho thấy nhiều chị rất quan tâm đến Bộ luật này và tích cực tham gia đóng góp các ý kiến về một số quy định liên quan đến chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới như: Quấy rối tình dục (điều 3); trách nhiệm người sử dụng lao động (điều 137); nghỉ thai sản (điều 140)... Đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Mạc cho biết thêm: Được tham dự hội nghị phản biện do Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tổ chức để “đem tiếng nói của phụ nữ xã Yên Mạc, góp phần xây dựng pháp luật, chúng tôi rất phấn khởi. Đây là cách làm hiệu quả và cần tiếp tục được triển khai trong thời gian tới nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Với tinh thần thẳng thắn, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến phản biện về sự cần thiết, tính cấp thiết của dự thảo Bộ luật Lao động, vấn đề lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật. Trọng tâm là các nội dung quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ; khái niệm về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; quy định về thời giờ làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trên cả nước; thời gian làm thêm giờ; ngày nghỉ lễ, Tết và quy định về các chính sách đối với lao động nữ và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng chí Bùi Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Mô cho biết: Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cho thấy sự quan tâm, nghiên cứu rất kỹ lưỡng về các nội dung đưa ra phản biện và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn người lao động nữ. Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu tại hội nghị, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ huyện sẽ xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh để nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Thành công của hội nghị cũng giúp đội ngũ cán bộ Hội có thêm kinh nghiệm trong tổ chức các cuộc phản biện đối với các dự án luật cũng như các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Các tin khác