Không phải chỉ đến khi phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động thì hoạt động chống rác thải nhựa của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh mới bắt đầu khởi động. Mà cách đây nhiều năm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ loại bỏ dần đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu khó tiêu hủy trong sinh hoạt hàng ngày...
Từ năm 2012, Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni - lông” đầu tiên trong tỉnh được Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng, đi vào hoạt động tại Hội Phụ nữ xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh. Ban đầu, khi đưa ra sáng kiến này, nhiều chị em còn ngại ngần và cho rằng đây là việc khó thực hiện bởi thói quen đi chợ hàng ngày sử dụng túi ni - lông đã trở thành “cố hữu” vừa tiện dụng, lại chẳng mất tiền. Nhưng khi đi vào phân tích tác hại của việc sử dụng túi ni - lông đối với môi trường, các bà nội trợ mới nhận thức được vấn đề và thấy cần phải thay đổi. Việc thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông” xã Khánh Hải đã cho thấy thành công bước đầu trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của hội viên phụ nữ xã. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 34 câu lạc bộ với hơn 400 thành viên tham gia. Đồng nghĩa với số hội viên là số làn nhựa được tặng và quan trọng là sự thay đổi về hành vi của mỗi người phụ nữ trong các gia đình. Ra chợ thực phẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh, chẳng khó gì để bắt gặp rất nhiều các bà, các cô tay xách làn nhựa, giỏ mây... đi mua sắm.
Cùng với hoạt động của CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn duy trì được các mô hình, CLB như: CLB “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; CLB “Phụ nữ phòng, chống rác thải nhựa”; mô hình “Xử lý rác thải tại hộ gia đình”...
Theo đánh giá của Hội Phụ nữ tỉnh: Không chỉ sử dụng làn nhựa đi chợ, sự vào cuộc của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh trong việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” còn lan tỏa đến đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh thông qua việc nhận thức, trách nhiệm của mỗi người có sự thay đổi tích cực: Sử dụng cặp lồng, hộp đựng thức ăn chín khi đi chợ, sắm sọt rác có nắp đậy trong gia đình, tái chế đồ dùng bằng nhựa để làm bình, lọ trồng hoa, cây xanh, vận động chị em tiểu thương tại các chợ thực phẩm tận dụng lá chuối, giấy, các sản phẩm thân thiện với môi trường để gói hàng...
Không dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng triển khai các cuộc ra quân để phòng chống rác thải nhựa bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Tại các buổi ra quân, Hội đã tổ chức cho hội viên và nhân dân cùng tham gia hoạt động thu gom, tái chế các chai, lọ nhựa để làm thành chậu, bình hoa và trồng hoa, cây cảnh trong vỏ chai nhựa; tổ chức trưng bày các sản phẩm tại điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, khuôn viên nhà văn hóa, điểm sinh hoạt công cộng... Tiêu biểu như cuộc ra quân tại thị trấn Bình Minh và xã Kim Tân (Kim Sơn) vừa qua đã có hơn 300 chậu hoa, cây cảnh được trồng trong vỏ chai, hộp nhựa. Ngay sau buổi ra quân, phong trào tái chế chai, lọ nhựa để trồng hoa, cây cảnh đã lan rộng ra 100% các chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện...
Không chỉ trồng hoa, cây cảnh trong các chai, lọ nhựa, phụ nữ ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn triển khai mô hình “Xử lý rác thải tại hộ gia đình” theo hình thức xây hố rác tự phân hủy để bảo vệ môi trường. Từ mô hình điểm tại xã Thượng Kiệm (Kim Sơn) năm 2014, hiện nay, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ, vận động xây dựng được 2.899 hố rác tự phân hủy tại 100% các huyện, thành phố trên địa bàn.
Trước thực trạng tại một số nơi, người nông dân có thói quen sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đã vứt bừa bãi vỏ bao thuốc ngay tại cánh đồng, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân do dư lượng hóa chất còn sót lại trong các bao bì, vỏ chai, lọ đựng thuốc. Từ năm 2017, mô hình “Bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” được Hội phụ nữ huyện Yên Mô triển khai thí điểm và sau đó được nhân diện ra toàn tỉnh, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được 1.952 bể thu gom, đặt ngay tại các cánh đồng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ thu dọn vỏ bao để vào bể rồi chuyển ra bãi rác tập trung... Với mô hình “Bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” được hình thành đã góp phần nâng cao ý thức hội viên, phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất...