Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn luôn là bài toán khó, bởi lực lượng lao động này thường có trình độ tay nghề thấp, tính ổn định không cao, lại cần nhiều thời gian chăm lo cho gia đình.
Tại xã Gia Sơn, qua tìm hiểu thực tế địa phương, Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề cho hội viên. Năm 2017, công ty TNHH Daekwang Vina đứng chân trên địa bàn đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương.Chị Bùi Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Sơn cho biết: Nghề may công nghiệp dễ học, dễ làm và có thu nhập ổn định, chị em phụ nữ “ly nông nhưng không ly hương”. Qua đó, thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển.
Còn tại xã Phú Sơn, qua tìm hiểu tình hình lao động thực tế ở địa phương cho thấy, hầu hết lao động nữ trẻ tuổi dễ có cơ hội tìm kiếm được việc làm tại các công ty ở các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đối với chị em ở độ tuổi trung niên, cơ hội tìm kiếm việc làm rất ít.
Chị Vũ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Sơn cho biết: Để giải quyết việc làm cho phụ nữ trung niên, hội đã đưa nghề may gia công, đính mỹ kí, hạt cườm... về địa phương. Riêng nghề đính hạt cườm, sau hơn 2 năm đã thu hút gần 200 chị em phụ nữ tham gia, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên.
Nghề đính hạt cườm mang thêm nguồn thu nhập cho các gia đình
Bà Nguyễn Thị Hương, 57 tuổi ở đội 7, xã Phú Sơn chia sẻ: Nghề đính hạt cườm phù hợp với sức khỏe, có thể tranh thủ làm được mọi thời gian.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội.
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ huyện Nho Quan tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm.