Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Phụ nữ Đồng Phong chung sức xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Tư, 24/10/2018
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Phụ nữ xã Đồng Phong (Nho Quan) đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ. Phát huy kết quả đạt được, hiện nay Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thu hút đông đảo chị em tham gia chung sức xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cuối năm 2014, xã Đồng Phong được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, xã được UBND tỉnh chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú trọng triển khai các công trình, phần việc phù hợp với công tác Hội và phong trào phụ nữ. Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Phong cho biết: Hiện nay, công tác vệ sinh môi trường đang là một trong những tiêu chí khó thực hiện nếu không có cách làm sát sao, triệt để. Với phương châm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tạo chuyển biến hành động trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Theo đó, các chi hội tăng cường vận động hội viên, phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư. Trong chăn nuôi, chị em đã thực hành khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường như làm hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.

Đặc biệt, năm 2016, Hội Phụ nữ xã Đồng Phong đã triển khai xây dựng mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu”. Đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: Thời gian đầu mới triển khai, Hội gặp rất nhiều khó khăn vì có một số chị em chưa đồng tình, cho rằng mô hình này mất thời gian đi thu lượm rồi đem đi cân bán mà giá trị kinh tế mang lại nhỏ. Thay vì phải đi thu gom phế liệu chị em đưa ra quan điểm nộp tiền. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “tích tiểu thành đại” bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, chị em cán bộ hội đã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình nhằm hình thành thói quen tiết kiệm, thói quen phân loại xử lý rác thải, đồng thời có ý nghĩa thiết thực là kinh phí thu được từ mô hình nhằm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Chi hội, từ đó chị em tự nguyện tham gia với tinh thần thoải mái. Kinh phí thu được từ nguồn thu nhặt phế liệu đến nay đã đạt trên 20 triệu đồng. Một số chi hội dùng để mua các trang thiết bị tặng cho Nhà văn hóa thôn, dùng để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cũng chính từ nguồn thu phế liệu, Hội triển khai xây dựng mô hình “ống cống thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại các đường nội đồng góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Thành công trong xây dựng mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu”, Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”. Để động viên hội viên tham gia và triển khai mô hình có hiệu quả, cán bộ cùng hội viên đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến với phụ nữ và nhân dân về tác hại của túi nilon đến sức khỏe và môi trường sống. Vận động chị em hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, nên sử dụng làn nhựa khi đi chợ, phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon. Mô hình được thành lập và triển khai đã phần nào thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em phụ nữ và từng gia đình trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhằm từng bước xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp, tăng vẻ đẹp của làng quê, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, Hội tổ chức khảo sát các tuyến đường để xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ”, lựa chọn giống hoa phù hợp với chất đất sỏi đá, phù hợp với từng điều kiện của từng con đường tại thôn, xóm. Từ nguồn quỹ của mô hình phế liệu, chị em trích ra mua thêm giống hoa, mua phân bón để chăm sóc cho đường hoa. Cán bộ, hội viên phụ nữ tại các thôn, xóm chăm sóc, nhổ cỏ các đoạn đường hoa gần khu vực gia đình nhà mình với phương châm “Lấy sức dân làm đẹp cho dân”. Đến nay, toàn xã đã trồng được 4,7 km đường hoa với các loài hoa như: Hoa sam, hoa cúc vạn thọ, hoa chiều tím..., tạo nên điểm nhấn cho cảnh quan làng quê. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã đã đăng ký với cấp ủy Đảng đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, chỉ đạo xây dựng và nhân diện được 14 đoạn đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường.

Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, chị em phụ nữ xã Đồng Phong bằng những việc làm thiết thực của mình đã tạo sức lan tỏa, góp phần tích cực thay đổi ý thức và thói quen của cộng đồng, qua đó chung sức bảo vệ môi trường, chung sức phấn đấu sớm đưa Đồng Phong đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng quê hương Đồng Phong thực sự trở thành “miền quê đáng sống”.

 
Các tin khác