Từ khi mô hình mới đi vào hoạt động, hội viên, phụ nữ và người dân trong xã đều tích cực hơn trong việc thu gom phế liệu. Khi đi làm đồng, các chị tranh thủ nhặt thêm những túi nilon, chai lọ vứt bừa bãi trên đường, bờ ruộng.
Đến những ngày cuối tháng, các hội viên lại tập trung những thứ gom được, đem bán tại điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thôn rồi lấy tiền góp quỹ, một phần kinh phí được trích lại để mua cây giống trao đổi với người dân. Việc làm này không chỉ góp phần làm sạch nhà, đẹp ngõ, cải tạo cảnh quan môi trường mà còn tạo nguồn kinh phí giúp Hội thực hiện các hoạt động nghĩa tình.
Theo chia sẻ của nhiều hội viên, phụ nữ thôn Trại Lạo - chi hội Phụ nữ đầu tiên thực hiện mô hình "Đổi phế liệu nhận giống cây"; giá trị của mỗi lần bán phế liệu tuy không nhiều, nhưng giá trị lớn nhất mô hình đem lại là việc dần hình thành được thói quen phân loại rác thải của người dân, xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, nâng cao ý thức trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường.
Đồng chí Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: cụ thể hóa việc học và làm theo lời Bác, Hội đã xây dựng các mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác, chỉ đạo 100% chi hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: tiết kiệm trong sinh hoạt hằng ngày; tiết kiệm từ hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu đổi cây xanh; tiết kiệm tại chi hội....
Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm từ các nguồn đóng góp vào quỹ Hội đạt trên 135 triệu đồng. Nhờ số tiền này, Hội có điều kiện thăm hỏi các hội viên gặp khó khăn và hỗ trợ các hội viên nghèo về con giống để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn chỉ đạo các chi hội quyên góp ủng hộ quỹ "Hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn", nhận được sự đồng lòng ủng hộ của cán bộ, hội viên toàn xã, tạo sức lan tỏa lớn, nhiều hội viên cao tuổi còn vận động con em trong gia đình ủng hộ quỹ.
Từ nguồn quỹ này, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ, từ năm 2016 đến nay đã giúp 9 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo, 6 phụ nữ khởi sự kinh doanh hiệu quả.
Hoạt động trao vốn hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ thu gom phế liệu.
Học và làm theo lời Bác, hội viên, phụ nữ xã Đồng Phong còn năng động, sáng tạo trong lao động, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Có dịp tìm hiểu thực tế các mô hình sản xuất của hội viên, phụ nữ xã, chúng tôi được giới thiệu đến thăm mô hình trang trại VAC của chị Đinh Thị Xá, thôn Phong Thành, một trong những điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Xá chia sẻ: "Cuộc sống gia đình trước đây rất khó khăn, nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm để làm trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC. Quá trình xây dựng trang trại gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên cho vay vốn sản xuất của Hội Phụ nữ xã".
Những khó khăn trong phát triển kinh tế của gia đình chị Xá từng bước được tháo gỡ. Đến nay, trang trại của chị có gần 3 ha chăn nuôi gà Đông Tảo, lợn thương phẩm và trồng cây ăn quả...2 năm qua dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh gặp khó, nhưng doanh thu của trang trại vẫn tăng trưởng đều, trung bình đạt 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Mô hình trang trại của chị Đinh Thị Xá là một trong số nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ làm kinh tế hiệu quả. Hầu hết hội viên, phụ nữ xã phát triển kinh tế đều có sự giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực của tổ chức Hội về vốn qua các kênh ngân hàng và tổ nhóm tiết kiệm…
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Phong: đến nay, việc học và làm theo lời Bác đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội Phụ nữ triển khai thực hiện phù hợp với thực tế, mang lại lợi ích thiết thực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, khẳng định vai trò của tổ chức Hội, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.