Là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất đa canh, ông Nguyễn Văn Phương (xã Yên Sơn) chia sẻ: Trước đây, diện tích đất vườn của gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác trong vùng thường bị bỏ hoang do đất đai ở vùng bán sơn địa Yên Sơn khô cằn, sỏi đá. Đầu năm 2017, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để trồng cây ổi Đài Loan. Đặc biệt, tháng 4/2018, gia đình tôi là 1 trong 5 hộ được Hội LHPN tỉnh lựa chọn tham gia mô hình sản xuất đa canh của xã. Tham gia mô hình, tôi được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất đa canh, ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật thâm canh cây ổi, táo, sim...
Đến nay, cây ổi sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao, chất lượng quả thơm, ngọt mà thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 4 tháng), trung bình mỗi sào ổi thu hoạch được 3 tấn quả. Cây ổi cho ra trái quanh năm nên gia đình cũng có thu nhập thường xuyên. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Công ty TNHH Minh Tài Green hỗ trợ gia đình xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm với diện tích 1ha. “Hệ thống tưới tiết kiệm được đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu được công lao động và giảm được lượng nước tưới trong mỗi lần tưới, góp phần vào việc sử dụng nước có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không những thế, việc ứng dụng công nghệ cao trong tưới tiết kiệm làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng quy mô diện tích sản xuất, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung”- ông Phương khẳng định.
Cũng như ông Phương, ông Trần Hải Đường là một trong những hộ tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất đa canh do Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện là người cảm nhận rõ nét hiệu quả mà mô hình mang lại. Ông Đường cho biết: áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là giải pháp tối ưu cho cây ổi ở vùng bán sơn địa Yên Sơn, bởi cây ổi vốn ưa nước nhưng lại không ưa trũng. Ngoài trồng ổi, với việc xây dựng mô hình sản xuất đa canh, tôi và các hộ được hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng xen ổi với cây ăn quả khác như cây sim, táo..., giúp nông dân có thu nhập ổn định, tăng cao. Điều quan trọng là hiện nay, với sự trợ giúp của Hội LHPN tỉnh và ngành chức năng của thành phố, Tổ hợp tác trồng cây ăn quả của xã đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu cho quả ổi Yên Sơn, được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm an toàn. Do vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến các gia đình trong Tổ hợp tác để mua. Tuy nhiên, do diện tích trồng ổi của Tổ hợp tác còn quá nhỏ lẻ (trên 4ha) nên “cung không đủ cầu”. Vì vậy, để cây ổi nói chung và mô hình sản xuất đa canh trên địa bàn xã Yên Sơn đạt kết quả cao hơn nữa rất cần sự quan tâm từ phía Hội LHPN tỉnh cũng như ngành chức năng để quy hoạch vùng trồng, cho phép chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả... có như vậy mới mở rộng diện tích, mở rộng mô hình sản xuất đa canh, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.
Quá trình triển khai thực hiện mô hình tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến trong sản xuất đa canh tại xã Yên Sơn, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 891 cây ổi giống và 300kg phân bón cho 5 hộ gia đình tham gia mô hình. Bên cạnh đó, Hội chủ động phối hợp với ngành chức năng, các cấp trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất đa canh, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình địa phương, mùa vụ và thời tiết cho 50 hộ gia đình đã và đang có nhu cầu trồng và chăm sóc cây ổi xen canh các cây ăn quả khác; tổ chức tập huấn các chuyên đề: An toàn thực phẩm trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình sản xuất theo mô hình công nghệ cao; kỹ thuật thâm canh cây ổi, táo, sim... qua đó giúp các hộ nâng cao kỹ năng trồng và chăm sóc cây trồng đảm bảo an toàn, chất lượng.
Sau gần 1 năm hỗ trợ mô hình tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến trong sản xuất đa canh tại xã Yên Sơn, đến nay bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Thông qua mô hình đã nâng cao nhận thức của người tham gia mô hình và người dân trên địa bàn xã, từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ước tính, từ năm thứ 3 trở đi cho năng suất 30kg/cây, 30.000kg/ha, cho thu nhập 500 – 600 triệu đồng/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cùng với sự giúp đỡ của Hội LHPN tỉnh, của thành phố Tam Điệp, các ngành chức năng và sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của các hộ tham gia mô hình là những yếu tố quan trọng để chúng tôi triển khai có hiệu quả Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh. Thành công của mô hình không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ tham gia mà còn đang dần lan tỏa sang các hộ khác, góp phần tạo bước chuyển dịch tích cực trong cơ cấu cây trồng của địa phương, mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân. Những thành công bước đầu của mô hình tổ hợp tác đa canh tại xã Yên Sơn cũng giúp Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ nông thôn tham gia phát triển kinh tế một cách hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục có những hoạt động hướng về cơ sở, phối hợp ngành chức năng tìm giải pháp để thúc đẩy mô hình tổ hợp tác đa canh ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.