Vì bận rộn, vì nhiều lý do khác mà nhiều ông bố bà mẹ dễ bỏ qua những điều nhỏ nhặt khi dạy con. Họ không ngờ rằng những điều tưởng như đơn giản ấy lại ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của trẻ sau này.
Hạn chế xem tivi
Xem truyền hình đồng nghĩa với việc trẻ phải ngồi một chỗ lâu, dễ dấn đến nguy cơ tăng béo phì và trầm cảm, nóng nảy do trẻ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Xem tivi nhiều còn gây ức chế sản xuất melatonin ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Trẻ em xem tivi, ngồi chơi game quá 2 giờ/ ngày có nguy cơ bị bệnh tim. Do vậy, cha mẹ nên hạn chế thời gian xem tivi của con, khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng, thể dục thể thao.
Không biến con thành trẻ thích ăn vặt
Thưởng cho con là hành động tốt, khích lệ bé phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn quá lạm dụng đồ ăn vặt như kẹo, bánh, bimbim, xúc xích… khi thưởng cho con thì vô tình bạn đã biến con thành đứa trẻ thích ăn vặt.
Dạy con cách chia sẻ
Chia sẻ là cách quan trọng để thúc đẩy sự tương tác giữa trẻ em và xã hội. Gần hơn, chính là những bài học để con hiểu về tầm quan trọng của mọi người xung quanh. Dạy con biết chia sẻ với anh, chị, em và bạn bè, giúp con biết cho đi và biết yêu thương.
Nói "không" khi cần thiết
Khi cha mẹ "nói không" với con, đứa trẻ sẽ hiểu rằng con không được làm trái những gì cha mẹ cho phép. Nếu bạn luôn nói "có" và thường nuông chiều con, thì trẻ sẽ không bao giờ biết cái gì nên và không nên làm.
Danh nhiều thời gian cho con
Bạn quá bận rộn tới mức mọi việc trong gia đình đều nhờ người giúp việc thì chẳng mấy mà con…"thích người giúp việc hơn bố mẹ". Cha mẹ hãy tương tác, gần gũi với con dù chỉ là thời gian ngắn – đó cũng là cách xây dựng kỹ năng, tình cảm cho trẻ.
Hãy để con tự làm
Trẻ không thể độc lập và tự chủ khi mọi thứ đến với chúng quá dễ dàng. Điều này có nghĩa là cha mẹ nên để con học cách tự làm việc cá nhân như làm bài tập, dọn dẹp đồ chơi… Cha mẹ không nên vì thương con mà làm thay cho con mọi việc. Trẻ cần học tính tự giác và có trách nhiệm ngay khi còn nhỏ với những việc như rửa bát, đổ rác, quét nhà…
Khuyến khích con nói lời hay
Trẻ em tiếp xúc nhiều các cuộc nói chuyện thiếu lịch sự, suồng sã hay những hành vi thiếu tôn trọng người khác thì lớn lên trẻ dễ trở thành người hư hỏng. Cần dạy cho trẻ cách tôn trọng và lời hay ý đẹp từ gia đình. Khi con khóc, mè nheo, bạn vội vàng đưa con đi chỗ khác để dỗ dành và bỏ dở cuộc nói chuyện thì bạn cần xem lại chính mình. Cha mẹ cần dạy cho con hiểu rằng cắt ngang lời nói, cuộc nói chuyện của người khác là bất lịch sự.
Cân nhắc khi con đòi mua đồ chơi
Với trẻ con, đồ chơi chẳng bao giờ là đủ. Liệu bạn có thể luôn luôn mua đồ chơi cho con hay không? Chỉ cần giận dỗi là trẻ được mua đồ chơi ngay thì chính cha mẹ đang tạo cho con mình những tính xấu khó lường. Trước khi mua đồ chơi cho con, bạn cần suy nghĩ và cân nhắc kỹ vì sao mình mua món đồ này, nó có giúp ích gì cho con không?