Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Chủ Nhật, 22/12/2024

PHỤ NỮ NINH BÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH!

Linh hoạt các hoạt động tại nhà trong thời gian tạm nghỉ học

Chủ Nhật, 19/04/2020
Việc tạm nghỉ học dài ngày do dịch bệnh Covid-19 đang là nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn là sự buồn chán của các em học sinh khi không được đến trường, cuộc sống hàng ngày quẩn quanh trong gia đình, với những trò chơi games, xem ti vi, học bài online... Việc ông bà, cha mẹ, người thân bố trí thời gian học và chơi cùng con có ý nghĩa quan trọng, giúp trẻ gắn bó, có trách nhiệm với gia đình và là dịp để tăng thêm các kỹ năng mềm trong cuộc sống. Hơn 2 tháng nay, ông bà Văn, phố Phú Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) có trách nhiệm trông coi, dạy dỗ 4 đứa cháu nội (2 đứa ở Hà Nội và 2 đứa ở cùng ông bà), trong đó, đứa lớn nhất mới học lớp 6, bé nhất học lớp 2, có đến 3 cháu trai luôn chí chóe, tranh giành, trêu đùa rồi mách tội nhau...
 
Hàng ngày, để các cháu không sa đà vào các trò chơi điện tử trên điện thoại hoặc xem ti vi quá nhiều, ông bà Văn phải bố trí thời gian cho các cháu học bài, chơi, ăn uống, tắm gội, tham gia các công việc nho nhỏ trong gia đình và theo dõi, nhắc nhở các cháu. “Ngoài việc phải gọi các cháu dậy đúng giờ, tham gia tập thể dục buổi sáng, còn hướng dẫn các cháu ăn sáng, học bài trong thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ.
 
Gần trưa yêu cầu mỗi người một việc, nhặt rau, lau quét nhà, phơi quần áo..., sau đó sắp xếp mâm bát cho bữa trưa, ăn xong lau dọn bàn ăn, mâm bát rồi đi ngủ, 2h chiều dậy sẽ được làm các việc yêu thích như tô tranh, cắt dán, lắp ghép hình và được xem ti vi trong thời gian một tiếng, sau đó là các hoạt động ngoài trời như chơi cầu lông, đạp xe, chạy bộ và thu gấp quần áo, rồi tắm gội, ăn cơm tối... Đúng 21 giờ là phải lên giường đi ngủ để sáng 6 giờ có thể dậy được...
 
Lịch trình là như vậy, nhưng việc đốc thúc, theo sát để các cháu thực hiện theo là cả vấn đề, dù buổi trưa, tối có thêm sự hỗ trợ của bố mẹ... Giờ thì, tất cả 4 đứa cháu tôi đều có tiến bộ rõ rệt, dần vào nền nếp, mỗi đứa một việc, không tị nạnh, tranh giành nhau, điều đó trước dịch chưa thể có được...”- ông Văn vui vẻ chia sẻ.

Đối với chị Hương, xã Ninh An (huyện Hoa Lư) thì thời gian dịch bệnh đã làm 2 con gái của chị thay đổi rất nhiều, nhất là chuyện nữ công gia chánh. Chị Hương cho biết, 2 con gái của chị học lớp 4 và lớp 8, thời gian đầu, khi nghỉ ở nhà, cũng thấy có lúc học bài, nhưng rồi thường xuyên kêu chán vì bài cô giáo cho đã làm hết, rồi tranh nhau xem ti vi, bố mẹ đi làm về là mượn điện thoại để xem đủ thứ...

Để các con có thêm những kỹ năng trong cuộc sống, nhân tiện những ngày nghỉ luân phiên do công việc tại công ty ít dần và thực hiện việc giãn cách xã hội, chị Hương dạy 2 con gái thêm một số công việc nội trợ, như cách nấu một số món ăn thông thường trong gia đình, cách làm vài món bánh đơn giản, cách bài trí các món ăn cho đẹp mâm, ngon mắt... “Buổi chiều, mấy mẹ con lại bảo nhau xới xáo, vun trồng mấy cây hoa, luống rau trong khu vườn nhỏ.

Trước đây các cháu mải học nên cũng không để ý đến các công việc này, giờ được tận tay làm, thu hoạch rau chế biến món ăn nên thích thú và đều muốn làm... Thời gian nghỉ học cũng buồn chán, nhưng cũng có ý nghĩa nhất định đối với gia đình, nhất là với các cháu gái, biết thêm các công việc nội trợ, vệ sinh nhà cửa, thu vén công việc đều rất tốt cho cuộc sống riêng sau này...” – chị Hương chia sẻ.

Nhiều người có suy nghĩ rằng, thời gian tạm nghỉ phòng dịch bệnh Covid-19 là kỳ nghỉ hè sớm cho trẻ. Tuy nhiên, điều này không đúng, bởi trong kỳ nghỉ hè thông thường, trẻ không phải học tại trường, nhưng vẫn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi thỏa thích với nhiều hoạt động thú vị. Còn trong thời gian nghỉ dịch, hầu như trẻ ở nhà, thậm chí 2 tuần gần đây, trẻ chỉ được ở trong nhà, thường chỉ ăn, ngủ và quanh quẩn trong nhà xem ti vi, chơi các thiết bị điện tử nên dễ bị tăng cân, cận thị, đối diện với nguy cơ thiếu hụt hoạt động thể chất.

Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ vui chơi giải trí, học tập ở trong nhà mà không bị nhàm chán, mệt mỏi, các phụ huynh, người thân cần lên kế hoạch và có một lịch trình hợp lý, trong đó cần giành thời gian, để tùy vào nhu cầu, sở thích đồng hành cùng các hoạt động của con. Trong đó, cần cố gắng duy trì các hoạt động cần thiết như trước đây, như duy trì lịch sinh hoạt ổn định, tương đương với thời gian trẻ phải đi học ở trường, đặc biệt là giờ ăn và giờ ngủ; dành thời gian cho con nhiều nhất có thể, để có các hoạt động chơi, học cùng con.

Lịch trình những ngày này nên bao gồm giờ thức giấc, giờ ăn, giờ ngủ, giờ vận động cơ thể và giờ học (ôn tập bài cũ hoặc học bài mới nếu trường cung cấp chương trình online), tránh việc để con ngồi triền miên trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác. Khi có điều kiện và được phép, cùng con ra ngoài, đến nơi rộng rãi, sạch sẽ để đi bộ, đạp xe, tất nhiên cần hướng dẫn cho con thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn như mang khẩu trang, không sờ tay lên mắt, mũi, miệng, rửa tay ngay khi về nhà, giữ khoảng cách nhất định khi giao tiếp với người khác...

Dịch bệnh Covid-19 lan rộng và xảy đến nằm ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Do vậy, mỗi gia đình, phụ huynh cần chủ động có những thay đổi để phù hợp với thời điểm dịch bệnh, đảm bảo cho trẻ sự phát triển hợp lý, nhất là khi chúng ta chưa biết tình trạng tạm dừng đến trường và hạn chế các hoạt động ngoài cộng đồng sẽ kéo dài bao lâu. Việc sợ hãi, căng thẳng không làm tình hình tốt hơn mà còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm, đó là thay đổi để đồng hành cùng con thích ứng với giai đoạn này, giúp con có thêm những kỹ năng trong cuộc sống, thêm tình yêu thương, gắn bó trong gia đình.

 
Các tin khác